Tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 10-6, GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đã giới thiệu những điểm mới của dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giới thiệu các nội dung mới dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng (sáng 10-6). Ảnh: BBT
Theo đó, việc xây dựng văn kiện lần này được mở rộng, không chỉ đánh giá nhiệm kỳ năm năm của khóa XII mà còn lùi lại với 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung 2011, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, gắn với 35 năm đổi mới.
Cũng với tinh thần ấy, văn kiện đưa ra những định hướng, đầu tiên là cho 5 năm tới của nhiệm kỳ khóa XIII, gắn với tầm nhìn 2030 (100 năm thành lập Đảng), tiếp theo là 100 năm thành lập nước (năm 2045).
“Chưa có Đại hội nào mà văn kiện có tầm đánh giá, bao quát rộng như vậy” - ông Phú nói.
Đại hội XIII: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
Với độ lùi như vậy, chủ đề của văn kiện cũng là chủ đề Đại hội XIII, tiếp tục tinh thần Đại hội XII, vẫn đặt vấn đề xây dựng Đảng là số 1 nhưng mở rộng hơn: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
“Đảng cầm quyền thì lãnh đạo thông qua Nhà nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không chỉnh đốn Nhà nước thì không được. Không thể có Đảng mạnh mà Nhà nước yếu. Nhà nước yếu thì Đảng không mạnh được. Do đó, xây dựng Đảng phải gắn với chỉnh đốn Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội” - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương giải thích.
Mục tiêu phát triển của đất nước luôn là một nội dung định hướng quan trọng được bàn tới trong văn kiện mỗi kỳ Đại hội của Đảng. Từ Đại hội VIII cho đến Đại hội XII, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là thuật ngữ được sử dụng.
Tuy nhiên lượng hóa thế nào thì rất khó. Và thực tế, mục tiêu 2020 Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại” đã không đạt được nên Đại hội XII phải điều chỉnh là “sớm phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Quá trình dự thảo văn kiện lần này, bộ phận tham mưu đề nghị tiếp cận theo chuẩn của thế giới để xác định mục tiêu, cụ thể là gắn với thu nhập bình quân đầu người. Liên Hợp Quốc cũng lấy đây là tiêu chí cơ bản để xác định một quốc gia là chậm phát triển, đang phát triển hay phát triển.
Theo cách ấy, ông Phú cho biết dự thảo đang lấy ý kiến đại hội đảng các cấp đưa ra hai phương án.
Phương án 1: Đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến 2030, là đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao. Đến 2045, là nước phát triển, có thu nhập cao.
Phương án 2: Đến 2025 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Đến 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao. Đến 2045, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao.
Tiếp tục cập nhật dự báo hậu COVID
Mục tiêu tổng quát là vậy nhưng các chỉ tiêu chi tiết từng mốc thời gian, cũng như các phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, bối cảnh thế giới thì dự thảo văn kiện đang lưu hành trong Đảng được xây dựng trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Do đó, các nội dung này đang được cập nhật, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Trong các dự báo ấy thì các nhận định cơ bản đã tương đối rõ. Đó là một cuộc cách mạng công nghiệp mới, đang diễn ra rất nhanh và sẽ tạo đột biến; Là nguy cơ một cuộc khủng hoảng chu kỳ, toàn diện mới; Là vấn đề Biển Đông tiếp tục như thách thức rất lớn.
“Sau COVID-19, thái độ của Trung Quốc cho thấy chắc chắn họ không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông. Cao nhất thì độc chiếm theo hình lưỡi bò. Không được thì ít nhất kiểm soát, thao túng, khai thác. Vậy ứng phó thế nào đây?
Bảo vệ cho được độc lập chủ quyền nhưng không để xảy ra chiến tranh là bài toán hóc búa, thử thách nghiêm trọng với thế hệ chúng ta và cả con em sau này” - GS Phùng Hữu Phú nêu nhận định của những người làm văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Ngoài những vấn đề nêu trên, ông Phú cho biết dự thảo văn kiện có bổ sung một số nội dung, ý tứ, dù chỉ câu chữ nhưng phản ánh điều chỉnh nội hàm không nhỏ.
Chẳng hạn, Đảng lâu nay vẫn khẳng định “phát triển kinh tế là trung tâm”, đến Đại hội XI bổ sung hai chữ “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm” thì nay Bộ Chính trị duyệt bổ sung “phát triển kinh tế, xã hội, môi trường là trung tâm.
Cũng như vậy, trong phần chủ đề, trước đây có ý “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” thì nay bổ sung thành “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước”.