Dân quân tự vệ được nổ súng khi cần thiết

Hôm qua (16-6), Quốc hội đã thảo luận lần đầu tại phiên họp toàn thể về dự án Luật dân quân tự vệ. Đa số ý kiến thống nhất cao với nội dung dự thảo luật.

Các ý kiến tán thành quy định thời hạn phục vụ của dân quân tự vệ nòng cốt là bốn năm. “Thời hạn ấy bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, học tập và hiệu quả hoạt động; đồng thời tạo nguồn lực để vũ trang toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong thời bình và thời chiến” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình nói.

Dự luật cũng quy định rõ: “Doanh nghiệp có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp thì phải tổ chức lực lượng tự vệ’’. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định này vì tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Theo khảo sát của ủy ban này, các quy định hiện hành về tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, tính pháp lý không cao, chưa đồng bộ với các luật liên quan, do đó số lượng doanh nghiệp đã tổ chức tự vệ so với tổng số các loại doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều nơi tự vệ hoạt động còn mang tính hình thức, nhiều doanh nghiệp có tổ chức Đảng nhưng chưa tổ chức được lực lượng tự vệ. Quy định như trên sẽ xác định được các điều kiện để tổ chức lực lượng tự vệ, trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với nhiệm vụ này là phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.

Theo điều 44 của dự thảo, khi thực hiện các nhiệm vụ, dân quân tự vệ được quyền nổ súng trong các trường hợp: Có lệnh của bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tư lệnh các quân khu và tương đương hoặc người chỉ huy các cấp khi được ủy quyền; khi đang thực hiện nhiệm vụ, sau khi đã áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giải thích, răn đe, sử dụng công cụ hỗ trợ, ngăn chặn nhưng đối tượng vẫn không chấp hành hoặc trong trường hợp cấp bách không có biện pháp nào khác để ngăn chặn đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng; khi làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu, tuần tra bảo vệ biên giới, biển, đảo phát hiện được địch ở mặt đất, trên biển hoặc trên không; thực hiện quyền phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định thật cụ thể quyền nổ súng của lực lượng này để tránh bị lạm dụng. Quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh là đối với lực lượng vũ trang nói chung và dân quân tự vệ nói riêng cần phải có quy định về quyền nổ súng để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quyền nổ súng của lực lượng vũ trang đều chỉ quy định chung là được quyền nổ súng theo quy định của pháp luật. “Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII thì năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó dự kiến sẽ quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị trong luật này chỉ quy định chung về quyền nổ súng của dân quân tự vệ” - trung tướng Lê Quang Bình cho hay.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm