ĐBQH trình sáng kiến pháp luật: Vẫn là “quyền giấy”!

Cuối tháng 7-2011, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) và Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề xuất hai sáng kiến pháp luật là Luật Bảo vệ quyền riêng tư và Luật Nhà văn. Tiếp đó, tại phiên họp UBTVQH chiều 28-9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề xuất xây dựng Luật Biểu tình và giao Bộ Công an chuẩn bị. Tuy nhiên, đến nay chỉ có dự án Luật Biểu tình nằm trong chương trình xin ý kiến QH.

ĐBQH trình sáng kiến pháp luật: Vẫn là “quyền giấy”! ảnh 1
Trong nghị trình tuần này, QH sẽ thảo luận và cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Liệu những sáng kiến pháp luật nêu trên có được ghi nhận. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Trần Ngọc Đường (ảnh), chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp (UBTVQH), cho rằng việc các ĐBQH đưa sáng kiến lập pháp như vừa qua là xu hướng tốt, cần phải khuyến khích.

ĐB không có điều kiện để trình sáng kiến luật

. Luật Tổ chức Quốc hội quy định ĐBQH có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật và dự án pháp lệnh ra trước UBTVQH. Thế nhưng đề xuất của hai ĐB Đặng Thị Hoàng Yến và Nguyễn Minh Hồng không có tên trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình xin ý kiến QH lần này, thưa ông?

+ Đúng là thực tế, pháp luật cho họ quyền như thế nhưng điều kiện cho họ thực hiện là không có. Vừa rồi hai ĐB Đặng Thị Hoàng Yến và Nguyễn Minh Hồng mới chỉ phác thảo đề xuất đó thôi chứ họ chưa có điều kiện để làm đúng theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những sáng kiến pháp luật của hai ĐB chưa đưa được vào chương trình là do thiếu hồ sơ.

Việc trình sáng kiến pháp luật đòi hỏi phải có đầy đủ tài liệu, văn bản để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, đưa vào chương trình. Ví dụ, họ phải có một báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của dự án luật, việc này các ĐB chưa làm được mà họ mới chỉ nêu được tính cấp thiết của vấn đề...

. Những yêu cầu nêu trên liệu có “làm khó” ĐB không khi hiện nay ĐBQH không có bộ máy giúp việc cũng như không được cấp kinh phí để hoạt động?

+ Những quy định này không phải “làm khó” ĐB mà đó là những thông tin cần thiết để cơ quan có thẩm quyền thẩm tra sáng kiến pháp luật ĐB trình có thực sự cấp thiết hay không, đề xuất của ĐB liệu đã phù hợp với thực tiễn chưa.

ĐBQH trình sáng kiến pháp luật: Vẫn là “quyền giấy”! ảnh 2

Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, việc các ĐBQH đưa sáng kiến lập pháp cần được khuyến khích. Trong ảnh: ĐBQH thảo luận tại hội trường trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo tôi, những quy định hiện hành cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng bên cạnh việc quy định quyền còn phải quy định các điều kiện bảo đảm cho ĐB thực hiện quyền đó. Cụ thể, cần có những quy định “giao việc” cho ĐBQH, giao việc cho những cơ quan, những nơi có điều kiện giúp ĐB. Ở các nước, ĐBQH có bộ máy giúp việc tốt nhưng ở ta thì chưa làm được điều này.

Cũng có ý kiến cho rằng ĐB chỉ cần nêu sáng kiến pháp luật thôi, còn hồ sơ nên giao cho bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực đó hoặc giao cho đoàn ĐBQH nơi ĐB hoạt động giúp họ. Nhưng nếu như vậy thì cũng phải quy định trong luật!

Có quyền bảo lưu ý kiến

. Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc yêu cầu ĐBQH phải gửi đề nghị, kiến nghị luật, pháp lệnh đến Chính phủ để Chính phủ cho ý kiến trước khi gửi lên QH, UBTVQH là quy định thể hiện sự hành chính hóa trong quy trình?

+ Tôi lại cho rằng quy định này là phù hợp. Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thi hành luật của QH nên họ phải xem xét kiến nghị đó. Nếu Chính phủ không đồng ý với đề xuất của ĐB nhưng ĐB vẫn quyết tâm trình thì Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Khi đó ĐB cứ thực hiện quyền của mình, còn ý kiến của Chính phủ sẽ là một trong số những tài liệu giúp Ủy ban Thẩm tra quyết định có đưa sáng kiến pháp luật đó vào chương trình dự kiến hay không. Sau đó còn phải qua “cửa” của UBTVQH xem xét.

. Trường hợp dự án luật trình ra trước QH không đúng như ý tưởng ban đầu của ĐB thì sao, thưa ông?

+ Dự thảo trình QH nếu không như ý tưởng ban đầu của ĐB thì họ có quyền bảo lưu ý kiến của mình. Ví dụ, phạm vi điều chỉnh ĐB muốn thế này nhưng ban soạn thảo lại muốn khác... Nếu không như ý tưởng của mình thì ĐB có quyền phân tích và bảo lưu ý kiến của mình trước QH. Không có vấn đề gì cả.

. Theo quy định, Văn phòng QH chuẩn bị kinh phí cho việc soạn thảo. Vậy nếu ĐB có đủ tiềm lực kinh tế hoặc họ huy động được đóng góp của các tổ chức tài trợ cho việc soạn thảo dự án luật đó thì có được chấp thuận hay không?

+ Nếu được thế thì tốt chứ sao! Thực tế thì tiền của Văn phòng QH cũng chả được bao nhiêu, nếu có thêm thì càng tốt. Tất nhiên là mọi chi tiêu phải tuân thủ đúng nguyên tắc thu chi tài chính.

. Xin cảm ơn ông.

Thực tế thời gian qua chỉ có một ĐBQH chuyên trách khóa XI có nguyện vọng trình dự án pháp lệnh về lĩnh vực tư pháp. Đại biểu này đã chủ động soạn thảo pháp lệnh, đã báo cáo với Thường trực một ủy ban của QH và phó chủ tịch QH phụ trách công tác pháp luật. Nhưng vì nội dung của dự thảo pháp lệnh là một vấn đề đang được tranh luận, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng, vì thế dự án này đã không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH.

Việc kiến nghị về luật, pháp lệnh cũng có một trường hợp. Một ĐBQH khóa X đã kiến nghị bổ sung dự án Luật Thuế sử dụng đất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002 của QH. Kiến nghị này đã được QH chấp nhận.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm