Đề xuất phạt lao động công ích trong xử phạt hành chính

Đồng thời, nên nghiên cứu áp dụng trở lại những hình thức xử phạt hành chính như phạt giam hành chính, phạt lao động công ích đối với những hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội”. Đó là đề xuất được ông Bùi Xuân Đức, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nêu ra tại hội thảo đánh giá báo cáo nghiên cứu “Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển Việt Nam (PLD) tổ chức ngày 23-2.

Theo ông Đức, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đang áp dụng có mức phạt tiền cao nhất đến 500 triệu đồng. “Mức phạt nặng như vậy phải được xét xử theo thủ tục tư pháp chứ không phải thủ tục hành chính, để bảo đảm quyền tranh tụng của công dân, tổ chức” - ông Đức nói.

Tại báo cáo tổng quan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện PLD Nguyễn Đăng Dung nêu ra ba phương hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, phương án một đề xuất bỏ tất cả biện pháp xử phạt cũng như xử lý vi phạm hành chính và tất cả đều chuyển sang các biện pháp tư pháp như ở các nước hiện đại; đồng thời sử dụng tòa vi cảnh đối với những tội phạm nhỏ mà chúng ta vẫn gọi là vi phạm hành chính theo thủ tục rút gọn, một thẩm phán.

Phương án hai, những vi phạm về trật tự an toàn xã hội vẫn xử phạt vi phạm hành chính; còn các vi phạm khác thì chuyển sang giải quyết bằng con đường tư pháp. Phương án ba, quy định rõ thủ tục xử phạt theo hướng mở rộng hơn tính minh bạch, công khai, công bằng, dân chủ như cho phép người dân có thể trình bày, khiếu nại và bỏ các biện pháp xử lý hành chính khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại tư pháp hóa việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính sẽ không phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. “Để khắc phục được những vấn đề trên và hoàn thiện được pháp luật về xử phạt hành chính thì phải sửa cả Hiến pháp” - ông Ngô Hùng Cường, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội nói.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm