Dự thảo Luật Giáo dục ĐH vẫn còn tính xin-cho

Theo lập luận của nhiều đại biểu, một cơ sở giáo dục ĐH được phép thành lập là một pháp nhân cần được đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội và trước pháp luật. Nếu cơ sở đó hoạt động kém chất lượng thì nó sẽ bị cộng đồng, bị xã hội đào thải, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật, đình chỉ hoặc thậm chí có thể bị giải thể. Vì vậy quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH cần được khẳng định rõ trong luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng nhiều điều trong dự thảo luật chưa thể hiện hoặc thể hiện rất ít sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH hoặc ít nhiều mang tính xin-cho, còn giao cho Thủ tướng và cho bộ trưởng quy định khá nhiều.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng đề xuất dự thảo luật không nên quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ trưởng Bộ GD&ĐT đảm nhận việc công nhận, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. “Ở các nước tiên tiến trên thế giới thì việc xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH là do các hiệp hội, do các tổ chức kiểm định, do các tạp chí, tờ báo lớn có uy tín và thậm chí có nước là do tổ chức tư nhân thực hiện và công bố” - ông Luận nói.

Ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) chỉ ra thực tế con em nông dân mỗi lần lên thành phố học đều phải thuê nhà trọ rất vất vả. Cho nên việc xây ký túc xá cho sinh viên cũng là tạo điều kiện cho con em có hoàn cảnh khó khăn. Việc này đã có một số nơi thực hiện rồi nhưng Bộ GD&ĐT nên quy định các trường bắt buộc có ký túc xá để sinh viên có chỗ ở. Có đại biểu đề nghị ban đầu có thể quy định các trường ĐH phải có ký túc xá đáp ứng 50% chỗ ở cho sinh viên, sau đó tiến đến 100%.

Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận tại hội trường về Luật Công đoàn sửa đổi. Liên quan đến vấn đề đình công, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng đình công là “vũ khí” cuối cùng của người lao động để đòi quyền lợi nhưng từ trước đến nay công đoàn chưa thể lãnh đạo được một cuộc đình công hợp pháp nào. Theo ông Vinh, nguyên nhân của tình trạng này là quy định về thủ tục đình công quá rườm rà, mất thời gian. Do đó đề nghị phải giảm bớt những thủ tục về tổ chức đình công để tổ chức công đoàn có thể sát cánh với người lao động trong những cuộc đình công hợp pháp.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm