Dự thảo Luật Khiếu nại: Thừa nhận khiếu nại nhiều người

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khiếu nại. Tiếp thu góp ý của các đại biểu trước đó, dự thảo luật lần này đã không né tránh một vấn đề được đánh giá là “nhạy cảm” và “phức tạp”, đó là khiếu nại nhiều người.

Bao nhiêu là nhiều?

Hai hình thức khiếu nại nhiều người được ghi nhận gồm nhiều người khiếu nại thông qua đơn hoặc nhiều người đến khiếu nại trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều người là gồm từ bao nhiêu người trở lên thì dự thảo luật bỏ ngỏ chưa quy định. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn), đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) kiến nghị cần làm rõ khái niệm “khiếu nại nhiều người” tại dự luật này.

Khoản 4 Điều 8 dự thảo luật quy định, trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại (...). Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung (…), có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

Đại biểu Dương Hoàng Hương cho rằng cần quy định cụ thể về cơ chế và cách thức cử người đại diện, đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện. “Theo quy định, người được cử ra đại diện có quyền trình bày nội dung khiếu nại, còn vai trò của họ trong toàn bộ quá trình giải quyết khiếu nại thế nào?” - đại biểu Hương băn khoăn.

Dự thảo Luật Khiếu nại: Thừa nhận khiếu nại nhiều người ảnh 1

Nhận đơn thư khiếu nại tại Văn phòng tiếp công dân TP.HCM. Ảnh: HTD

Khoản 5 Điều 8 của dự thảo luật cũng quy định buộc người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện. Các đại biểu cũng đánh giá đây là điều khoản không rõ ràng. Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng đây là cơ chế đại diện theo ủy quyền nên cần quy định thẳng trong luật là “giấy ủy quyền đại diện” để tránh việc cán bộ tiếp công dân lợi dụng những quy định không rõ ràng “làm khó” người khiếu nại…

Kiến nghị rút ngắn quy trình giải quyết khiếu nại

Liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhận xét quy định “người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính” như dự thảo luật sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và “giải quyết thì ít, đối phó thì nhiều”.

Ông Độ kiến nghị dự luật nên quy định theo hướng khi công dân thấy cần khiếu nại thì khiếu nại lên cấp trên của người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì người đó khởi kiện ra tòa. Nói cách khác, chỉ cần một cấp giải quyết khiếu nại thay vì hai cấp như quy định tại dự thảo luật. “Có quy định như vậy mới đẩy nhanh quá trình giải quyết các khiếu nại hành chính” - ông Độ đề nghị.

Một vấn đề đáng quan tâm khác, dự thảo luật trình xin ý kiến Quốc hội lần này dành hẳn chương V, với bốn điều, quy định về việc “tiếp công dân”. Theo đó, thủ trưởng các cơ quan nhà nước, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp tiếp công dân hoặc có thể phân công cấp phó của mình tiếp công dân định kỳ (chủ tịch xã mỗi tuần ít nhất một ngày; chủ tịch huyện mỗi tháng ít nhất hai ngày; chủ tịch tỉnh và thủ trưởng các cơ quan nhà nước mỗi tháng ít nhất một ngày). Việc tiếp công dân này phải gắn với việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền và chỉ đạo giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.

Dự thảo luật cũng dành một điều quy định về trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, theo đó, người này có trách nhiệm “theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền; báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người có trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) đánh giá quy định này là thiếu khả thi, khi mà người phải đôn đốc lại chính là thủ trưởng của mình.

Dự kiến chiều 11-11, Quốc hội sẽ thông qua dự án luật này.

Bắt buộc phải tổ chức đối thoại

Dự thảo luật quy định việc gặp gỡ, đối thoại là giai đoạn bắt buộc của quy trình giải quyết khiếu nại lần đầu cũng như lần thứ hai (trước đó, việc đối thoại chỉ bắt buộc đối với quá trình giải quyết khiếu nại lần hai). Theo đó, trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh kết luận nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan…

ĐỨC MINH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm