Dựa vào dân

Ở cả hai cuộc tổng kết nổi lên hai vấn đề: chọn được nhân vật tiêu biểu để nêu gương và chọn người trong sạch đứng đầu cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng.

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “đã đi vào chiều sâu, mang tính phổ biến, đạt kết quả cụ thể và thuyết phục” như ông trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vừa khẳng định. Cho nên, việc nêu những tấm gương tiêu biểu của việc “học tập và làm theo” ấy sẽ vừa là sự chứng minh sống động cho “kết quả cụ thể và thuyết phục”, vừa giục giã mọi người, đặc biệt là lớp trẻ soi vào tấm gương ấy để mà rèn luyện mình.

Từ thành quả của một phong trào có bề rộng thì chọn lựa điển hình để phát huy chiều sâu là hết sức cần thiết và làm càng nhiều càng tốt. Chỉ có điều phải hết sức thận trọng để không biểu dương nhầm. Đơn giản là vì khi nhận được thông tin về nhân vật tiêu biểu thì đương nhiên công chúng sẽ hướng vào để “học tập”, để “noi gương”. Chẳng may, họ lại phát hiện ra ở nhân vật tiêu biểu ấy không “tiêu biểu” như người ta tưởng. Tệ hơn nữa, họ lại phát hiện ra ở đó những nét “tiêu biểu” của tấm gương phản diện đã từng có tì vết mà công chúng đã am tường thì sẽ rất gay go.

Cũng như vậy, chọn người trong sạch đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng là tuyệt đối cần thiết. Trước hết vì có vậy mới đem lại cho nhân dân niềm tin là có thể chống tham nhũng tại ngay đơn vị, địa phương và cũng do đó công tác phòng chống tham nhũng mới có hiệu quả thật sự. Chỉ có thể làm được điều đó khi dám dựa vào dân. Tức là “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên” như Bác Hồ đã chỉ ra. “Dưới nhoi lên” chính là thực thi việc mở rộng dân chủ một cách thiết thực nhất, cụ thể nhất. Nói đơn giản là “để cho dân mở miệng ra”, “đừng bịt miệng dân” như cách nói giản dị của Bác. Ai là người tiêu biểu, ai là người trong sạch, dân biết hết. Dựa vững vào dân thì không nhầm lẫn được.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm