Lạm quyền

Việc phòng cảnh sát môi trường một tỉnh tạm giữ tang vật, phương tiện mà theo họ có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn mình thực ra không lạ. Việc nhầm lẫn trường hợp nào phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, trường hợp nào không lẽ ra không nên có vì có thể dẫn đến cách xử lý sai, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người khác nhưng không phải là “tội” nặng. Điều mà tất cả mọi người không đồng ý và không thể nào chấp nhận được trong vụ việc này, đó là Phòng cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hải Dương không hề lập biên bản về hành vi vi phạm, không ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Tuy làm luật theo danh chính ngôn thuận nhưng mọi thứ đối với họ đều là lệnh miệng, không một tờ giấy lộn!

Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 117/2009 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) đều có những yêu cầu chung: Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để ngăn chặn ngay vi phạm… và phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Riêng đối với tang vật là loại hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu phải tổ chức bán ngay. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu, thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước. Ngược lại, nếu tang vật không bị tịch thu, thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

Quy định chặt chẽ vậy nhưng đáng trách là ngay lúc buộc tài xế lái xe về bãi lưu giữ phương tiện vi phạm, những người có trách nhiệm ở phòng trên đã nói “không” với hết thảy. Để rồi đến 4 giờ ngày hôm sau khi họ yêu cầu tài xế tự bảo quản lô hàng thì toàn bộ bạch tuộc đã chết.

Bạch tuộc đúng là có trong danh mục động vật phải kiểm dịch khi lưu thông trong nước. Thế nhưng theo Nghị định 33/2005 của Chính phủ và hai Thông tư 06/2010, 32/2012 của Bộ NN&PTNT, việc kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát đối với động vật này chỉ được tiến hành trong trường hợp huyện đó đang xảy ra dịch bệnh. Khi Cần Giờ không có dịch bệnh đối với bạch tuộc thì rõ mười mươi Phòng cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hải Dương đã có lỗi hành xử sai và như đã phân tích ở trên họ đã có sự lạm quyền ở các thủ tục liên quan gây ra hậu quả lớn.

Lẽ đương nhiên là trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời trong vụ việc này cần phải được gấp rút tiến hành ngay. Song những cá nhân làm sai cũng phải sớm bị kỷ luật theo mức độ vi phạm để qua đó răn đe những ai có ý muốn đứng trên pháp luật hoặc không muốn làm theo pháp luật.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm