DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI):

Lương thử việc phải bằng 80% lương chính thức

Nâng mức lương thử việc, tăng thời hạn làm thêm giờ, công khai quy chế tiền thưởng... là những nội dung mới trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến nhân dân tại website của Bộ LĐ-TB&XH (http://www.molisa.gov.vn/) và Cổng thông tin điện tử Chính phủ (http://www.plo.vn/).

Theo dự luật, tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 80% mức lương cấp bậc của công việc đó (thay vì 70% như hiện hành) và không thấp hơn mức lương tối thiểu. Người sử dụng lao động không được giữ các giấy tờ tùy thân gốc, văn bằng, chứng chỉ gốc của người lao động, tránh việc người lao động bị hạn chế các quyền dân sự khác...

Riêng quy chế tiền thưởng, người sử dụng lao động quyết định căn cứ vào thỏa ước lao động tập thể, hoặc sau khi tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa có công đoàn và cũng được công bố công khai.

Lương thử việc phải bằng 80% lương chính thức ảnh 1

Theo dự luật, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do Bộ hoặc Sở LĐ-TB&XH cấp. Ảnh: HTD

Dự luật quy định thời giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 20 giờ trong một tuần nhưng tổng số giờ làm thêm trong một năm không quá 300 giờ (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành). Tuy nhiên, quy định này có thể được thay đổi trong những trường hợp đặc biệt như đất nước đang trong thời chiến hoặc Quốc hội tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, do khối lượng công việc tăng đột biến (quá mức bình thường) vì hoàn cảnh đặc biệt hoặc do tính thời vụ của sản xuất kinh doanh...

Theo dự luật này, chỉ được tuyển người nước ngoài để làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động VN chưa đáp ứng được. Người nước ngoài làm việc ở VN phải có giấy phép lao động do Bộ hoặc Sở LĐ-TB&XH cấp, nếu không có giấy này sẽ bị trục xuất.

Đáng lưu ý, lao động giúp việc trong gia đình đã được dự luật điều chỉnh. Theo đó, chủ nhà phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc, có trách nhiệm chăm sóc khi họ bị ốm đau, tai nạn. Chủ nhà phải cấp tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người này tự ý thôi việc khi chưa hết thời hạn hợp đồng lao động.

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5-2010 và thay thế cho Bộ luật Lao động 1994 và các luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động các năm 2002, 2006 và 2007.

Tiền lương bình quân của người lao động năm 2009 trong các doanh nghiệp ước đạt được 2.750.000 đồng/tháng, tăng 6,5% so với năm 2008. Đây là những số liệu do Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố. Bộ cũng cho biết tiếp tục thực hiện lộ trình thống nhất một mức lương tối thiểu cho các loại hình doanh nghiệp, năm 2010 đối với doanh nghiệp trong nước lương tối thiểu sẽ tăng bình quân 15%, đối với doanh nghiệp FDI lương tối thiểu tăng bình quân 10%.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết trong năm 2009 đã xảy ra 216 cuộc đình công, bằng 30% so với năm 2008. Đình công vẫn xảy ra chủ yếu trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (72,6%), thuộc ngành dệt may (52,7%) và thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (71,7%).

Điều đặc biệt là tất cả các cuộc đình công đều xảy ra không đúng theo trình tự pháp luật quy định và không do tổ chức công đoàn cơ sở lãnh đạo.

BẢO PHƯỢNG

ĐỨC BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm