Mặt trận còn "chạy theo" chính quyền

“Mặt trận còn lúng túng, có sự nể nang, né tránh, ngại va chạm với chính quyền, sợ chính quyền gây khó khăn, nhất là việc cấp kinh phí cho Mặt trận hoạt động. Có cả tình trạng Mặt trận “chạy theo” chính quyền”. Đó là lời trần tình của PGS-TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, tại hội thảo Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, góc nhìn từ các tổ chức phi chính phủ diễn ra sáng 30-8.

Ông Đức cho biết hằng năm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN nhận được từ 2.000 đến 3.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó, Mặt trận xem xét, chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền hơn 2/3 nhưng chỉ nhận được khoảng 40-50 ý kiến trả lời. Những trường hợp không giải quyết và trả lời, Mặt trận chỉ có thể kiến nghị tiếp. Tuy nhiên, chưa có quy định chế tài cụ thể nào để bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời. “Thực tế cho thấy nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được cơ quan nhà nước quan tâm giải quyết hoặc giải quyết qua loa, chiếu lệ. Nhiều trường hợp bị tố cáo nhưng xử lý không nghiêm túc, thậm chí còn bao che cho người bị tố cáo. Nhiều người dân tố cáo cán bộ tham nhũng nhưng cơ quan có thẩm quyền không kiểm tra hoặc có thì quá chậm, xử lý không nghiêm minh. Có những vụ việc dân bất bình, báo chí phản ảnh, các đoàn giám sát vào cuộc thì mới giải quyết như vụ vi phạm đất đai ở Đồ Sơn, vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng…” - ông Đức nêu.

Theo ông Đức, sở dĩ hoạt động giám sát của Mặt trận hiện nay còn hạn chế, một phần do cơ sở pháp lý còn thiếu, chưa cụ thể. Thêm vào đó, hoạt động giám sát của Mặt trận và các đoàn thể còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao. “Bản thân lề lối làm việc của Mặt trận còn nặng về hành chính, chủ yếu tiếp nhận đơn thư rồi chuyển đi. Trong khi đó, sự phối hợp giám sát của Mặt trận với các đoàn giám sát khác chỉ như đi “tháp tùng” mà không rõ quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận đến đâu” - ông Đức nhấn mạnh.

Nói về vai trò phản biện của Mặt trận, ông Đức cho rằng mặc dù chủ trương của Đảng đã đề cập nhưng hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào cụ thể hóa vai trò phản biện của Mặt trận. Chính vì vậy Mặt trận còn loay hoay, lúng túng, dừng lại ở việc góp ý, kiến nghị cho những đề án, dự thảo của các cơ quan nhà nước một cách thụ động, hình thức, chiếu lệ. “Sở dĩ có tình trạng này là do vẫn còn những nhận thức sai lệch về phản biện xã hội. Có quan điểm cho rằng phản biện xã hội đồng nghĩa với chống đối, với đối lập, đối kháng dễ bị kẻ địch lợi dụng. Thêm vào đó, nhiều người không muốn nghe ý kiến trái chiều, có tư tưởng thiếu tin tưởng vào quần chúng…” - ông Đức phân tích.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm