Ngăn chặn tham vọng độc chiếm biển Đông

“Các nước khi tham gia đàm phán, giải quyết tranh chấp ở biển Đông phải xét đến lợi ích chung của toàn nhân loại bởi một cuộc xung đột xảy ra ở đây sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh thế giới”. PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học “Hợp tác biển Đông: Lịch sử và triển vọng” do Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM) phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) và ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 12-12.

Âm mưu nuốt trọn biển Đông

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động ngang ngược trên biển Đông như: đăng ký thương hiệu địa danh “Tam Sa”, cho tàu cá làm đứt cáp tàu Bình Minh 02, đòi kiểm tra, bắt giữ, trục xuất tàu thuyền trên biển Đông, in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu,… Theo PGS-TS Võ Văn Sen, những hành động nói trên của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm hơn 80% diện tích biển Đông và cụ thể hóa đường chín đoạn (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ ra. “Những hành động ngang ngược này chỉ là một trong những mắt xích để Trung Quốc tiến tới lấy dần biển Đông, thực hiện ước vọng trở thành một cường quốc về biển” - ông Sen nói.

Ngăn chặn tham vọng độc chiếm biển Đông ảnh 1

Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ thuyết phục về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: TẤN TÀI

PGS-TS Trần Ngọc Vương, ĐHQG Hà Nội, cũng nhận xét tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà” là sự nối tiếp tham vọng bành trướng của các đế chế Trung Hoa trong lịch sử. “Trung Quốc chưa bao giờ được xem là cường quốc về biển. Nhưng bước qua thời kỳ này, họ nhận ra để bước lên địa vị một cường quốc thì phải mạnh về biển. Cho nên dù không đủ lý lẽ để khẳng định chủ quyền trên biển Đông nhưng họ vẫn hành xử một cách ngang nhiên và bạo ngược để độc chiếm vùng biển quan trọng này” - ông Vương phân tích.

Giải quyết đa phương

Theo PGS-TSKH Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, quá trình thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang gặp những thách thức mới từ thái độ của một số nước thành viên ASEAN và lập trường cứng rắn của Trung Quốc.

“Biển Đông là không gian sinh tồn của ASEAN nên các quốc gia phải có nghĩa vụ tham gia ngăn ngừa, giải quyết các tranh chấp, xung đột trên biển Đông. Nếu ASEAN không tạo được sự đồng thuận, đoàn kết nội bộ để giải quyết vấn đề chung thì sẽ bị suy yếu, dễ dàng bị các cường quốc bên ngoài can thiệp” - ông Khánh nói và đề xuất các quốc gia ASEAN cần lập ra một bộ phận kiểm soát, tuần tra chung trên biển để kịp thời ngăn chặn các hành động xâm phạm, lộng hành của Trung Quốc.

Ngoài các quốc gia ASEAN, hiện nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng đang có những lợi ích chiến lược ở biển Đông. Các chuyên gia thống nhất cho rằng cần tận dụng các mối quan hệ đa phương để giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực quan trọng này.

Giúp ngư dân vươn khơi bám biển

Để ngăn chặn sự bành trướng, ngang ngược của Trung Quốc cần phải nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp tích cực, cụ thể. Trong đó, Chính phủ cần sớm ban hành nhiều chính sách đầu tư, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển. Phải cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, thành lập các tổ, đội đánh bắt trên biển để tiếp sức cho ngư dân. Chúng ta cũng có thể hợp tác với các nước trong khu vực để hình thành những đội tuần tra trên biển.

Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng các lực lượng như cảnh sát biển, kiểm ngư… đủ mạnh với các trang thiết bị hiện đại để bảo vệ ngư dân, kịp thời ngăn chặn các hành động xâm phạm, gây rối trong vùng biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng phải kịp thời tuyên truyền cho người dân biết thông tin về tình hình biển, đảo.

GS-TS PHẠM QUANG MINH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội)

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm