Người yêu nước chân chính

Điều đặc biệt hấp dẫn ở cốt cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là giản dị hóa, quần chúng hóa những quan điểm, lý luận cao siêu nhằm thuyết phục con người, thu phục nhân tâm. Ngay trong một văn bản phát hành sau ngày giành chính quyền một tháng (“Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 17-10-1945), Hồ Chí Minh viết: “Ngày này, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì!”.

Câu viết ấy đã khái quát và lý giải toàn bộ mục tiêu hoạt động của Hồ Chí Minh rằng “hạnh phúc, tự do” là đích đến của cách mạng hay của bất kỳ hình thái kinh tế-xã hội nào, chứ không thể nhầm lẫn phương tiện thành mục tiêu. Do vậy nhiều sử gia nước ngoài đã nhận xét: “Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đã hình thành với tư cách chủ nghĩa dân tộc” và khá độc lập với “Quốc tế cộng sản”.

Người Việt Nam có chữ “đồng bào” để gọi chung những người cùng dòng giống, cùng cội nguồn Lạc Long-Âu Cơ. Vì thế không ai thương mình bằng người mình, kể cả khi phải biền biệt xứ người vẫn tự hào “Tôi là người Việt Nam”.64 năm trước, ngày 21-1-1946, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm này trên báo Cứu Quốc. Người viết: “Vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó chỉ có một mục đích là làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài. Rất mong nhân sĩ nước ngoài và đồng bào trong nước rõ cho”.

Nói những lời đó, rồi cả cuộc đời làm theo một cách chân thành, giản dị, không giáo điều cố chấp, Hồ Chí Minh thực sự là “người yêu nước chân chính” với tất cả ý nghĩa cao đẹp của từ này, đáng để nhiều cán bộ bây giờ học tập và làm theo.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm