Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng: Người đau đáu với đổi mới

Ông cũng là người chấp bút chủ trương khoán hộ và đổi mới những năm 1980.

Tính tuổi trong lý lịch thì năm nay ông Hoàng Tùng tròn 90, còn tính tuổi thực (theo ông kể) thì năm nay ông 93 tuổi. Tên của ông là Trần Thọ (hay còn gọi Trần Khánh Thọ). Tên Hoàng Tùng là bí danh xuất hiện trong hoạt động cách mạng sau này.

Trăn trở với Đảng

Ông có thời kỳ dài làm tổng biên tập báo Nhân Dân (1954-1982) và trực tiếp viết. Các bài xã luận ký tên “Nhân Dân” ông viết là những bài báo mẫu mực về văn phong chính luận. Nhiều thế hệ cầm bút sau này đã lấy đó là bài học, là tấm gương để noi theo. Có được 20 năm sống, làm việc cạnh Bác Hồ, nhiều hơn thời gian đó bên Tổng Bí thư Trường Chinh, ông học được lối viết ngắn gọn, sắc sảo của hai bậc thầy này. Cũng chính ông là người chấp bút chủ trương khoán hộ và đổi mới vào những năm 1980 cho Đảng.

Thế hệ cầm bút của chúng tôi chỉ biết nhà báo Hoàng Tùng sau này, 5-6 năm trước, khi ông còn minh mẫn và còn có thể ngồi trò chuyện hàng giờ với chúng tôi. Điều khá đặc sắc là càng sau này ông càng hay nhắc về Bác Hồ với một góc nhìn thật khác (dù bây giờ đã trở nên phổ biến), rằng Bác là một là nhà cộng sản yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc. Chính ông được nghe từ Bác một định nghĩa giản dị về dân chủ, rằng: “Dân chủ là để người dân được mở miệng”.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng: Người đau đáu với đổi mới ảnh 1

Hồi kỷ niệm 74 năm thành lập Đảng (3-2-2004), Hoàng Tùng rất bồn chồn. Ông kể ông đã gặp, nêu ý kiến cho các nhà lãnh đạo đương đại về tâm tư này. Ông kể chuyện Bác Hồ đối xử với trí thức rất tình nghĩa, qua đó đã đoàn kết được những người trí thức ở những nơi khác nhau về. “Làm cách mạng mà không biết cách dùng người, mà không có con mắt nhân đạo thì dễ bỏ sót nhân tài, vùi dập nhân tài” - ông nói. Thế nhưng câu chuyện dài nhất, sôi nổi nhất lại là cách thức Đảng lãnh đạo. Lần đó ông mới chỉ nói về sự chồng chéo của “hai hệ thống” và đề cập tới việc Đảng nên thu hút những người không phải đảng viên vào các vị trí quan trọng.

Kiến nghị có tầm

Tuy vậy, phải đến gần Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006), ông Hoàng Tùng mới sôi nổi về chuyện này. Lần gặp chúng tôi sau tết tại nhà riêng, ông vào chuyện ngay khi chúng tôi vừa ngồi xuống, rằng trên thế giới không có đảng nào nắm quyền mà lại trực tiếp chỉ đạo nhà nước, mà hầu hết dùng cách chỉ đạo thông qua đảng viên. Ông giải thích: tình hình đã rất khác, xã hội không phải chỉ có công nhân, nông dân nữa mà nhà doanh nghiệp ngày càng nhiều và họ chỉ làm theo pháp luật nhà nước. Vì thế nếu ta không chọn người thông qua bầu cử nghiệt ngã mà chỉ chọn qua ban tổ chức thì rất dễ cho kết quả sai.

Chúng tôi đã rất ngỡ ngàng nghe ông nói: “Bây giờ phải đổi phương thức lãnh đạo của Đảng là không điều hành trực tiếp nữa. Đảng chỉ đưa ra chính sách, chiến lược và những chủ trương lớn. Song hành với đó là chọn những đảng viên ưu tú của mình ra ứng cử bình đẳng vào các cơ quan chính quyền, từ đấy đưa chủ trương của Đảng vào thi hành trong bộ máy nhà nước, trong nhân dân”.

Trong câu chuyện, ông cũng phân tích rằng tổ chức “hai hệ thống” là ta bắt chước nước khác, không luật nào quy định. Nếu như nhà nước có gì thì Đảng có các ban tương ứng là chồng chéo nhau, ngáng trở nhau mà trách nhiệm không rõ: làm cũng được, không làm cũng được, sai lầm không biết ai chịu trách nhiệm. Ông còn nói thêm rằng đã kiến nghị kiện toàn bộ máy kiểm tra. “Cơ quan giám sát trong Đảng giống như tòa bảo hiến ở chính quyền, thấy cấp ủy đi sai nghị quyết của đại hội thì tuýt còi, không chịu sửa thì triệu tập đại hội. Làm vậy sẽ khắc phục được nhược điểm hiện tại là trong năm năm ban chấp hành muốn làm gì thì làm…”.

Năm năm qua ông yếu đi nhiều, tai không nghe được nữa nên cánh báo chí ít có dịp hầu chuyện ông. Thế nhưng nhiều kiến nghị có tầm của ông hồi ấy đã được Đại hội X tiếp thu, như thu gọn nhiều đầu mối (giải tán các ban kinh tế, nội chính, khoa giáo của Đảng). Đó cũng là những dấu ấn cuối cùng của Hoàng Tùng để lại cho sự nghiệp chung.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm