Những việc làm đi ngược tình hữu nghị

Như lời khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, "hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông".

Ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay ngư dân và các tàu cá nói trên.

Ngày 25/6, hai tàu cá gồm 25 ngư dân nước ta đã về đến Việt Nam an toàn. Nhưng một tàu cá và 12 ngư dân khác vẫn bị phía Trung Quốc giữ làm "con tin" trong khi chờ phía ngư dân Việt Nam nộp phạt.

Ông Dương Văn Thọ (chủ tàu QNg 6597-TS) và quyết định xử phạt của Trung Quốc. Ảnh: TTO.
Ông Dương Văn Thọ (chủ tàu QNg 6597-TS) và quyết định xử phạt của Trung Quốc. Ảnh: TTO.

Ông Dương Văn Thọ, một trong 2 thuyền trưởng được thả về, được báo điện tử VnExpress dẫn lời, nói: "Với mức phạt 540 triệu đồng thì chúng tôi có rao bán cả 3 chiếc tàu này cũng chưa chắc đủ 2/3 số tiền nộp phạt để "chuộc" 12 người cùng tàu còn bị tạm giữ ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam)".

Theo lời kể lại của Thuyền trưởng Dương Văn Thọ, được VnExpress đăng tải, "đến sáng 21/6, họ (phía Trung Quốc) đưa ra ba quyết định xử phạt (toàn chữ Trung Quốc), ép 3 thuyền trưởng của 3 tàu lăn tay, chịu mức phạt tiền tổng cộng 210.000 nhân dân tệ (510 triệu đồng Việt Nam) vì “xâm phạm lãnh hải Trung Quốc””.

Đối với phía Trung Quốc, vấn đề không phải là tiền phạt, mặc dù số tiền phạt tương đương hơn nửa tỉ đồng Việt Nam này là một gánh nặng quá sức chịu đựng của những ngư dân nghèo Việt Nam. Sâu xa hơn, rất có thể họ sẽ dùng những biên bản xử phạt do họ tự thảo mà các thuyền trưởng Việt Nam bị ép lăn tay thừa nhận đã "xâm phạm lãnh hải Trung Quốc" để làm "chứng cứ" khi giải quyết những vấn đề tranh chấp liên quan đến chủ quyền trên biển Đông. Đó là một thâm ý.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc "thả ngay các ngư dân và tàu cá còn lại, không có hành động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam".

Trung Quốc chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, dùng sức mạnh ngăn cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà vụ bắt giữ 3 tàu cá cùng 37 ngư dân Quảng Ngãi ngày 21/6 vừa qua chỉ là một ví dụ về cách hành xử của "kẻ mạnh".

Trước đó, Trung Quốc đã chính thức ban hành lệnh cấm đánh cá trên một khu vực rộng 128.000km2 của biển Đông. Thời hạn cấm bắt đầu từ ngày 16/5 đến 1/8. Để bảo đảm việc thực thi lệnh cấm này, Trung Quốc phái 8 tàu tuần tra đến khu vực.

Họ cứ làm như biển Đông là "ao nhà" của họ!

Trung Quốc công khai nói rằng, lệnh cấm này chỉ là một biện pháp thông thường nhằm bảo vệ nguồn hải sản trong khu vực thuộc "chủ quyền" của họ. Tuy nhiên, một vùng biển rộng lớn nằm trong phạm vi áp dụng lệnh cấm đánh cá do Trung Quốc đơn phương ban hành lại bao hàm cả những khu vực xung quanh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đài RFI đêm 22/6 bình luận: "Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng biển Đông, nhưng năm nay, Bắc Kinh tỏ thái độ cứng rắn khác thường trong việc buộc mọi người tuân thủ lệnh này bằng cách cử đội tàu hùng hậu xuống tuần tra. Một số vụ bắt giữ và phạt vạ các tàu đánh cá của Việt Nam đã diễn ra".

Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đang “án binh bất động”.
Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đang “án binh bất động”.

Theo Giáo sư Ramses Amer, thuộc Trường đại học Stockholm (Thụy Điển), chuyên nghiên cứu về các tranh chấp lãnh hải tại biển Đông, được RFI dẫn lại: "Lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh ban hành hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu bảo vệ nguồn cá như họ nêu lên, mà đó là một chiến thuật để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển Đông".

Giáo sư Amer xác định: "Rõ ràng là khu vực cấm đánh cá bao gồm những nơi đang có tranh chấp chủ quyền với nước khác, và thẩm quyền pháp lý của Trung Quốc không được công nhận”. Vị giáo sư này nói với RFI: "Có lẽ khi ra lệnh cấm đánh cá trong khu vực đó, Trung Quốc không phải là xuất phát từ nguyên nhân muốn bảo vệ nguồn cá đang bị đánh bắt quá mức, mà là nhằm đưa ra những đòi hỏi chính trị mà các nước khác không thể chấp nhận được". Ông còn giải thích thêm: "Đây không phải đơn thuần là một vấn đề đánh cá, mà là vấn đề Trung Quốc củng cố thêm các đòi hỏi chủ quyền của họ".

Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên một vùng biển rộng lớn trên biển Đông, bao gồm cả những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời cản trở ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại những vùng biển của Việt Nam rõ ràng là những việc làm vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại chủ trương xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước theo tinh thần của 16 chữ vàng.

Thật đáng tiếc!

Theo Lưu Nguyễn (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm