Ô nhiễm sông Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng

Ngày 11-12, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (UB sông Đồng Nai) đã tổ chức phiên họp thứ ba nhằm đánh giá kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai. Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đã phải thốt lên: “Không cần phải nghe báo cáo cũng có thể khẳng định ô nhiễm nghiêm trọng hơn”.

Ô nhiễm sông Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng ảnh 1

Nước thải nổi váng trên mặt sông Thị Vải hai năm trước đây do Vedan xả thải. Ảnh: MP

Chỉ 1/7 lượng nước thải đã qua xử lý

Tháng 12-2008, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UB sông Đồng Nai thành lập. UB này có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng, thống nhất thực hiện “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”. Chủ tịch UB sông Đồng Nai nhiệm kỳ đầu do chủ tịch UBND TP.HCM đảm nhiệm.

Một trong những vấn đề then chốt, giải quyết ô nhiễm liên vùng mà UB sông Đồng Nai phải thực hiện là đảm bảo lợi ích của tất cả các bên trong việc phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường.

Theo ông Hoàng Trung Tùng, Giám đốc Trung tâm quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường, 12 tỉnh, thành phía Nam đã xả nước thải vào con sông khoảng 1,8 triệu m3/ngày đêm nhưng công suất xử lý hiện chỉ khoảng 240.000 m3/ngày đêm. Trong khoảng 100 khu công nghiệp trong lưu vực sông Đồng Nai, chỉ khoảng 62 khu đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đó là chưa kể nhiều nơi vận hành không thường xuyên hoặc các doanh nghiệp không đấu nối nước thải vào nhà máy xử lý tập trung. Nước thải công nghiệp cộng với một lượng nước thải khổng lồ từ các đô thị lớn như TP.HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một… và nước thải y tế chưa xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn là những sức ép làm chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai liên tục bị suy giảm.

“Ô nhiễm nguồn nước của lưu vực sông chủ yếu là do hoạt động của các ngành công nghiệp. Hoạt động phát triển kinh tế, xã hội sẽ tạo sức ép cho môi trường lưu vực ngày càng lớn nên cần ưu tiên thu gom, xử lý đạt chuẩn nước thải công nghiệp trước khi xả ra ngoài” - ông Tùng nhận xét.

Xung đột làm tăng ô nhiễm

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, thông tin: Kênh thuộc hai địa bàn TP.HCM và Bình Dương dù kênh nhỏ nhưng mỗi ngày tải trên 10.000 m3 nước thải công nghiệp, sinh hoạt từ Bình Dương đổ về gây ô nhiễm cho TP.HCM. Đây là điểm nóng về ô nhiễm, dù được quan tâm rất nhiều nhưng ô nhiễm năm 2010 vẫn có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, lại tố cáo TP.HCM là địa chỉ gây ô nhiễm cho sông Cần Giuộc, làm con còng cũng chết, nói gì đến tôm. Một điểm đen ô nhiễm tác động tiêu cực đến Long An là sông Thầy Cai cũng có nguồn ô nhiễm xuất phát từ TP.HCM. “Chúng tôi nói vui rằng TP.HCM là Vedan khổng lồ đổ về, gây ô nhiễm và vùng hạ lưu là Long An phải hứng chịu” - ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, các địa phương cần chung tay giải quyết ô nhiễm nước thải, chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại. Ông Nguyên ngờ rằng các cơ sở thu gom, xử lý chất thải nguy hại đang phát tán ra môi trường sẽ làm ô nhiễm nghiêm trọng hơn nên cần xây dựng khu vực xử lý chất thải nguy hại.

Hoạt động của UB chưa hiệu quả

Ông Võ Văn Một, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhận định: Tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Vì thế nên quản lý theo lưu vực hơn là theo địa giới hành chính. UB sông Đồng Nai là mô hình hợp lý trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông.

Thế nhưng ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường, lại cho rằng UB hoạt động đã gần hai năm nhưng hiệu quả chưa cao. Lý do là chức năng, quyền hạn còn hạn chế, các quyết định chỉ mang tính đồng thuận chứ chưa mang tính ràng buộc về pháp lý, không có nguồn lực tài chính để điều phối. Chưa hết, việc thảo luận, thông qua các nghị quyết ở các phiên họp thiếu những đề xuất cụ thể, đặc biệt là việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên vùng...

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên yêu cầu đánh giá lại hiệu quả hoạt động của UB để xây dựng giải pháp, kế hoạch triển khai trong những năm tiếp theo. Ông Nguyên nói: “Đây là một sông lớn của cả nước. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước đã báo động nhưng báo cáo hiện trạng chưa nêu lên những tác động của thủy điện, biến đổi khí hậu. Điều này làm tôi rất lo lắng. Giải pháp cụ thể, hành động cụ thể của các địa phương là gì phải nêu thẳng ra. Nếu không thì tình hình khó thay đổi”.

Bộ trưởng gợi ý: dòng sông không bị giới hạn theo địa giới hành chính, các địa phương cần thống nhất trong việc giải quyết ô nhiễm. Ô nhiễm trên cả lưu vực chỉ có thể được giải quyết khi từng địa phương làm tốt công việc của mình.

Trao đổi, Chủ tịch UB sông Đồng Nai Lê Hoàng Quân cũng nhìn nhận các thành viên của UB hoạt động chủ yếu kiêm nhiệm, trên tinh thần phối hợp thỏa thuận, chưa có tính ràng buộc nên hiệu quả không như mong muốn.

Tiêu điểm

19

tỉ đồng là tổng số tiền mà cảnh sát môi trường phạt trên 1.500 tổ chức, cá nhân vi phạm môi trường trong năm 2010 ở lưu vực sông Đồng Nai. Trong hơn 2.000 vi phạm được phát hiện, đã khởi tố năm vụ với bốn bị can.

Trong nhiều năm, dù đã có sự quan tâm nhưng hiện ô nhiễm của một số kênh Ba Bò, Tàu Hủ, An Hạ, Thị Nghè, kênh Xáng, Thầy Cai… vẫn nghiêm trọng. Ngân sách nhà nước đã bỏ nhiều tỉ đồng nhưng vì sao ô nhiễm vẫn còn. Chúng tôi sẽ chỉ đạo, phối hợp với cảnh sát môi trường các địa phương có những biện pháp mạnh giải quyết các điểm nóng bức xúc về môi trường.

Đại tá PHAN HỮU VINH, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường phía Nam (C49B)

Bộ TN&MT đang xây dựng quy định cấm hoặc hạn chế đầu tư đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cho toàn lưu vực sông Đồng Nai để tránh việc địa phương này không nhận thì doanh nghiệp chạy về nơi khác.

Ông PHẠM KHÔI NGUYÊN, Bộ trưởng Bộ TN&MT

MINH PHONG - PHONG ĐIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm