Phác thảo mô hình Hội đồng Tư pháp Quốc gia

Nghiên cứu này do GS Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, cùng nhóm chuyên gia độc lập thực hiện, theo đặt hàng của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Trước yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, trong đó độc lập là một nội dung quan trọng, cùng với việc làm rõ hơn vị trí đặc biệt của chế định Chủ tịch nước (CTN), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã chuyển bớt thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán địa phương từ chánh án TAND Tối cao sang CTN. Riêng việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, dự thảo chuyển sang để QH phê chuẩn. Vấn đề đặt ra là việc bổ nhiệm này sẽ tiếp tục dựa vào hội đồng tuyển chọn thẩm phán như lâu nay, hay nên tìm cơ chế mới đáp ứng về lâu dài nhiệm vụ nâng cao tính độc lập của tòa án và thúc đẩy cải cách tư pháp?

Trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu kiến nghị xây dựng mô hình mới là HĐTPQG. Theo phác thảo ban đầu, HĐTPQG được xác định là cơ quan tham mưu, giúp CTN thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp. HĐTPQG thực hiện quản lý hành chính với hoạt động tư pháp, độc lập nhưng có mối liên hệ với QH, Chính phủ, cũng như TAND Tối cao, VKSND Tối cao.

Về chức năng, ngoài tham mưu, giúp CTN các việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán, HĐTPQG sẽ tham gia vào việc điều động, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; bảo đảm các điều kiện cơ sở, ngân sách, đào tạo... Như thế tòa án và thẩm phán trên cả nước sẽ thoát khỏi việc hành chính, tập trung thời gian, sức lực vào thực hiện chức năng tư pháp chính yếu của mình là xét xử.

Cũng theo phác thảo ban đầu, có hai phương án được đề xuất là HĐTPQG do CTN làm chủ tịch hoặc do chánh án TAND Tối cao làm chủ tịch. Nhóm nghiên cứu cho rằng trước mắt, trong đợt sửa HP này, cần kiến nghị bổ sung vào Hiến pháp nội dung ngắn gọn về HĐTPQG. Việc triển khai cụ thể bằng các luật cần có lộ trình, từng bước chắc chắn, không gây xáo trộn lớn cho hoạt động của hệ thống tòa án.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm