“Phao” hỗ trợ ngư dân treo lơ lửng

Năm 2002, ngư dân Nguyễn Văn Lâm ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đóng được chiếc tàu công suất 45 CV trị giá 19 lượng vàng câu cá mập, cá ngừ đại dương ở tận vùng biển Hoàng Sa. Năm 2006, sau vài lần nâng công suất máy, tàu của anh đạt công suất 195 CV, đủ sức đánh bắt ở ngư trường xa với những lèo biển dài cả tháng trời.

Dân chài đang cần cứu hộ

Cuối năm 2006, sau khi trở thành “người hùng” (vì cứu được 11 ngư dân trong cơn bão Chan Chu), trong một lần ra khơi biển động dữ dội, tàu anh trôi dạt qua vùng biển Indonesia. Anh bị bắt rồi bị tòa án nước bạn tuyên tịch thu tàu và bị phạt tù hơn hai năm rưỡi. Đến tháng 9-2009, anh về quê trong cảnh trắng tay. Bây giờ, anh ra bến sông xin đi bạn cho các chủ tàu khác. Hôm nào biển động, anh chèo ghe thả lưới lồng bên sông Tân Mỹ. Anh chua chát nói: “Trước còn tàu, khi cần tiền đem thế chấp vay quá dễ dàng. Bây giờ, tàu không có, mình đi bạn thì ai cho vay”.

Ngư dân Phạm Hân (ở thôn Định Tân, xã Bình Châu) cả đời gom góp mới đóng được chiếc tàu. Sáu năm trước, lúc đi đánh bắt xa bờ ở quần đảo Hoàng Sa, tàu ông gặp bão, bị sóng đánh chìm. Sau khi cha mất tàu, con trai ông quay sang đi bạn rồi vay mượn đóng được một chiếc tàu. Trong một chuyến ra khơi, tàu anh bị cảnh sát biển Malaysia tịch thu, gia đình phải chạy vạy mượn 500 triệu đồng nộp phạt anh mới được trở về quê hồi tháng 5-2009.

“Phao” hỗ trợ ngư dân treo lơ lửng ảnh 1

“Người hùng” Nguyễn Văn Lâm nay chỉ còn làm chủ chiếc ghe đánh cá nhỏ trên sông Tân Mỹ. Ảnh: VÕ QUÝ

Tháng 5-2007, tàu của ngư dân Tiêu Viết Là (ở Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) bị Trung Quốc tịch thu và bắn bị thương sáu ngư dân. Ông thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng được 130 triệu đồng rồi vay mượn thêm 170 triệu đồng nữa mua một chiếc tàu khác. Trước ngày ra khơi, ông vay thêm 45 triệu đồng mua dầu, gạo, mắm chuẩn bị cho chuyến đi biển. Nhưng khi đang đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa, tàu ông lại bị Trung Quốc bắt và bị phạt 50.000 nhân dân tệ. Sau khi được Bộ Ngoại giao can thiệp, ông được thả về. Bây giờ, nợ nần chồng chất, ông cùng hai con trở thành người đi bạn.

Có chủ trương nhưng… vướng

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Bà con ngư dân sau khi gặp nạn đều cố gắng gượng dậy bằng cách đi vay, đi mượn để đóng lại tàu. Nhưng nếu tai họa liên tiếp không thể gượng được nữa thì rất cần có chiếc phao để động viên, giúp họ vượt qua khó khăn. Khi nghe tỉnh có chủ trương thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân, địa phương rất mừng vì có thể giúp được bà con kịp thời”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng cho biết: “Những năm gần đây, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân bị thiên tai. Tuy nhiên, do ngân sách hỗ trợ có hạn mà lại bị ràng buộc nhiều thủ tục nên tỉ lệ ngư dân được hỗ trợ thấp và thời gian từ khi bị nạn đến khi được hỗ trợ rất lâu, khoảng 4-6 tháng, có trường hợp phải mất cả năm trời”.

Tháng 7-2010, UBND tỉnh có chủ trương giao cho Sở NN&PTNT và Hội Nghề cá lập đề án thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Nhưng theo thông tư của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì điều kiện thành lập quỹ hoạt động phạm vi cấp xã phải có tài sản tối thiểu 50 triệu đồng, cấp huyện: 100 triệu đồng, cấp tỉnh: 500 triệu đồng. Điều kiện tài sản ban đầu này đang đánh đố địa phương.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm