Phát huy dân chủ để hạn chế lạm quyền, độc quyền

Nhiều ý kiến “nóng” và sát sườn đã được thể hiện tại Hội thảo góp ý các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI do Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TP.HCM tổ chức vào sáng 15-10.

Dân chủ mới dân giàu nước mạnh

Việc đưa mục tiêu dân chủ lên trước các mục tiêu công bằng xã hội và văn minh trong dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), GS Trần Đình Bút, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TP, nhìn nhận đây là một chuyển biến căn bản, một tiến bộ, một thắng lợi lớn trong nhận thức tư tưởng của Đảng ta. Theo ông Bút, nên chuyển hẳn mục tiêu dân chủ lên hàng đầu, hình thành cách sắp xếp mới về mục tiêu là “dân chủ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh”.

Phân tích cho đề xuất trên, ông nói vì phải có dân chủ mới có dân giàu và nước mạnh. Nếu mạnh dạn bổ sung phát triển Cương lĩnh 2011 như vậy, Đại hội XI của Đảng sẽ thắng lợi trọn vẹn hơn. Thắng lợi này sẽ đẩy lùi nhận thức cũ kỹ trước đây cho rằng mở rộng dân chủ là quyền ban phát của nhà quản lý, của cấp trên với lý do là vì dân trí còn thấp kém nên phải hạn chế. “Xin thưa, dân trí đã luôn nhạy cảm với cái mới, năng động tìm tới cái hiệu quả hơn, còn quan trí thì thường rơi vào trạng thái trì trệ, xơ cứng, giáo điều, tự mãn, bảo thủ…” - GS Bút nói.

Phát huy dân chủ để hạn chế lạm quyền, độc quyền ảnh 1

Các đại biểu nêu quan điểm tại Hội thảo góp ý các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI do Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TP.HCM tổ chức sáng 15-10.  Ảnh: M.CƯỜNG

Dân chủ ngăn ngừa tiêu cực

Theo TS Phạm Minh Trí, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TP, trong điều kiện Đảng vừa là Đảng lãnh đạo vừa là Đảng cầm quyền, Đảng cần nắm vững ngọn cờ dân chủ, có bản lĩnh mở rộng và phát huy dân chủ. Trước hết, đó là mở rộng dân chủ trong Đảng để củng cố, tăng cường đoàn kết và sự đồng thuận trong nội bộ Đảng, đồng thời mở rộng dân chủ trong xã hội và phát triển kinh tế. Ông Trí nói: “Đảng cầm quyền mà phát huy dân chủ đúng mức theo yêu cầu của cuộc sống xã hội, công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, luôn nắm chắc ngọn cờ dân chủ thì sẽ có nhiều cơ hội ngăn ngừa bệnh quan liêu, độc đoán, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; củng cố lòng tin và sự đồng thuận xã hội”.

TS Phạm Minh Trí khuyến nghị: “Nếu chúng ta không thực sự phát huy và mở rộng dân chủ theo đòi hỏi của cuộc sống, không chỉnh đốn và nâng cao năng lực lãnh đạo theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà xa rời quần chúng, sa vào bệnh quan liêu, độc đoán, thoái hóa biến chất thì có thể phải đối mặt với nguy cơ: Niềm tin và sự đồng thuận xã hội giảm sút”.

Liên quan đến vấn đề này, GS Trần Đình Bút khuyến nghị: Cần tận dụng dân chủ để giám sát, hạn chế lạm quyền, độc quyền. Lấy dẫn chứng từ các vụ PMU 18, PCI, Vinashin… ông nói thực tiễn cho thấy chỗ nào thiếu kiểm tra, giám sát thì chỗ đó tất nhiên biến chất; lạm quyền, độc đoán sẽ hoành hành. Vì vậy, cần phải có một ban kiểm tra, giám sát và ban này cần phải ngang quyền với Ban Chấp hành Trung ương, có chức năng kiểm tra từ Tổng Bí thư đến mọi cấp trách nhiệm trong Đảng, phát huy quyền dân chủ đầy đủ trong nội bộ Đảng. Đối với phạm vi toàn xã hội, để tăng cường sự giám sát thiết thực của nhân dân, cần xây dựng những hình thức tổ chức xã hội đủ quyền hạn giám sát hoạt động của Đảng và nhà nước đúng theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm