Qua cầu Rạch Miễu: Như mơ!

Hôm qua, hàng chục ngàn người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tụ về Bến Tre chia sẻ niềm vui nức lòng với sự kiện khánh thành chiếc cầu dây văng Rạch Miễu. Ngay trong buổi sáng, ông Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã cắt băng khánh thành công trình thế kỷ nối đôi bờ sông Tiền.

Qua cầu ngoảnh lại...

Từng đoàn xe nối đuôi nhau vượt qua chiếc cầu kết tinh sức lao động của hàng ngàn công nhân, kỹ sư sau hơn hai ngàn ngày cật lực xây dựng với biết bao khó khăn vấp phải. Cuối cùng thì ước mơ đã thành hiện thực.

Ông Ba Biện (80 tuổi), ở xã An Khánh (Châu Thành, Bến Tre), biết nhà báo muốn tìm một cụ cao niên để “phỏng vấn” và chụp ảnh, đã nhiệt tình đưa chúng tôi đến nhà lão nông Tư Bốn (86 tuổi) cùng ngụ ấp An Thới. Hai ông cụ ở tuổi cổ lai hy cười móm mém, cứ giành cho rằng mình hạnh phúc hơn ai hết! Họ từng ngược xuôi qua lại chiếc phà ngăn sông cách trở; từng ngắm sao băng để ước gì có chiếc cầu nối sang những dãy cù lao. Hai lão nông đều có trong tay mỗi người hơn một hecta đất trồng cây ăn trái. Trái cây loại gì họ cũng đã trồng qua nhưng cuộc sống gia đình chỉ tạm gọi đủ ăn. Họ hy vọng chiếc cầu này sẽ giúp hàng hóa lưu thông, nông sản bán có giá hơn. Con cháu của họ mai này sẽ ăn theo sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà: có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. “Thiết thực” nhất, theo ông Ba Biện: “Giờ đây, tụi tui muốn đi dạo thành phố Mỹ Tho, chỉ cần kêu tụi nhỏ chở bằng Honda, phóng cái vù qua cầu Rạch Miễu là tới nơi”.

Đang vui bỗng hai ông lão buồn rượi khi nhớ những người bạn trong hội người cao tuổi... Ngày khởi công xây dựng cầu, họ hớn hở cùng rủ nhau đi xem Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy phát lệnh khởi công. Nhưng ngày vui hôm nay, các ông bà đều đã qua đời! Chị Hằng ở huyện Giồng Trôm cũng vậy. “Cách đây bốn tháng, ba tôi còn nằm trên giường bệnh, ông cứ dò hỏi mãi: Cầu Rạch Miễu làm xong chưa tụi con? Ba cố gắng “phẻ”, để đến ngày khánh thành “bây” thuê chiếc taxi đưa ba đi xem cầu nghen!”. Theo dòng người ngược xuôi qua cầu, đôi mắt chị Hằng đỏ hoe vì pha lẫn cảm giác mừng là tiếc cho ba mình không kịp nhìn thấy chiếc cầu ông hằng ấp ủ.

Từ huyện Duyên Hải (Trà Vinh), anh Danh Kha - một tài xế xe tải “canh me” ở thị xã Bến Tre từ ba ngày qua. Anh đưa vợ con sang dự lễ hội dừa và chờ thời khắc thông cầu lịch sử. “Có cầu Rạch Miễu, phà Cổ Chiên, mai này là cầu Hàm Luông, đoạn đường chở thủy sản đi tiêu thụ tại TP.HCM sẽ rút ngắn trên 60 km lận” - anh Kha hào hứng.

Thương những ngày gian khó

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức trong bài phát biểu của mình thẳng thắn nhìn nhận: Những ngày đầu bắt tay xây dựng cầu vô vàn khó khăn, liên doanh BOT xây dựng cầu Rạch Miễu từ hai thành viên Cienco 5, Cienco 6 không đủ thực lực góp vốn để thi công chiếc cầu. Vướng mắc được tháo gỡ bằng phương án tăng cường thêm Cienco 1 vào liên doanh BOT. Cienco 1 có sẵn hai công ty thiện nghệ về lĩnh vực xây dựng cầu là Công ty Cầu 12 và Công ty Cầu 14. Hàng loạt khó khăn được Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ, cụ thể về vốn ngân sách, vốn vay... Các kỹ sư, công nhân Việt Nam... đã vươn lên làm chủ công nghệ, năng lực thi công trong điều kiện thời tiết thủy văn khắc nghiệt...

Nhắc nhớ những ngày gian khó ấy, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tâm sự, trong sâu thẳm tận đáy lòng của mình, ông thật sự xúc động trước sự hy sinh của người dân hai bên bờ sông Tiền. Cư dân xã Tân Thạch, An Khánh (Bến Tre) sẵn lòng đốn bỏ cây cối, di dời nhà cửa, mồ mả người thân. Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng hy sinh giải tỏa di dời hàng trăm căn nhà bê-tông cốt thép để chiếc cầu nên hình hài hôm nay.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng khánh thành cầu Rạch Miễu. Ảnh: T.PHÚC
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng khánh thành cầu Rạch Miễu. Ảnh: T.PHÚC

Cơ hội đổi đời cả vùng đất

Đến 23 giờ hôm qua (19-1), phà Rạch Miễu chính thức ngừng hoạt động. Trong số 250 công nhân viên của bến phà có 132 người kết thúc công việc, 118 người được điều chuyển sang làm việc tại trạm thu phí, các bến phà trong tỉnh và sang cơ quan khác công tác. Tâm trạng của kẻ đi, người “về” buồn vui lẫn lộn. Nhưng ai cũng thấy lâng lâng cái cảm giác khó tả, khó quên những chuyến phà ngược xuôi trăm năm. Nhiều người bật khóc vì cơ hội đã thật sự đến với quê hương mình.

Ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang hồ hởi: Những dòng xe đầy ắp hàng hóa rồi sẽ xuôi ngược trên chiếc cầu này. Để khai thác có hiệu quả chiếc cầu, Tiền Giang sẽ tăng cường hợp tác với Bến Tre trên mọi lĩnh vực. Sắp tới, hợp tác đầu tư xây dựng các bến phà trên địa bàn hai tỉnh: Phà Sơn Định, An Hóa, Ngũ Hiệp, Gò Công... Hai tỉnh sẽ tận dụng cơ hội quy hoạch lại quần thể du lịch trên các cù lao: Long, Lân, Quy, Phụng. Tương lai không xa, cầu Mỹ Lợi được Chính phủ đầu tư xây dựng sẽ kết nối giao thông thông suốt giữa Tiền Giang với TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng nhấn mạnh: Ngoài cầu Rạch Miễu, từ nay đến cuối năm 2009 sẽ có thêm cầu Hàm Luông hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo ra hành lang phía đông ĐBSCL tương đối thông suốt, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, an ninh-quốc phòng trong thời kỳ mới. “Bến Tre hãy tận dụng cơ hội này đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, đuổi kịp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL” - Phó Thủ tướng nói.

Chiếc cầu gắn bó với người và đất, gắn bó với những vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản... để làm ra thêm một kỳ tích: đưa quê hương đổi mới đi lên. Bến Tre sẽ tận dụng cơ hội mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đặc biệt giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với môi trường sông nước miệt vườn trong lành...

Dự án cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài toàn tuyến 8.331 m, trong đó phần cầu gồm cầu chính số một và hai dài 2.878 m, trọng tải thiết kết H30 - XB80. Đặc biệt, cầu chính số một là cầu dây văng, có hai trụ tháp cao 106 m/trụ, lần đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công. Mỗi trụ dây văng được đặt trên 20 cọc khoan nhồi, đường kính 2 m/cọc, cắm sâu vào lòng đất 90 m. Cầu chính số hai được thiết kế theo phương án đúc hẫng cân bằng, nhịp dẫn bằng dầm.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm