Quốc hội giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm: Người ít, tiền thiếu, trách nhiệm... cha chung

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) với những gam màu loang lổ lo âu đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội (QH) trong cả ngày làm việc hôm qua (10-6).

“Ăn gì để tránh ngộ độc?”

“Biết ăn gì, uống gì để tránh ngộ độc?”. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nói rằng không ít người thốt lên như thế khi hàng ngày liên tục nghe các tin như sữa nhiễm độc, chả, giò có hàn the, thịt, cá ướp phân urê, rượu pha thuốc sâu, rau, củ, quả sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, nước đóng chai nhiễm vi sinh v.v... vẫn bày bán khắp nơi. “Đây cũng là câu hỏi mà cử tri đặt ra với đại biểu QH” - bà Bé cho biết.

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) nói: “Diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau trong cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%; 58,1% gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát. Cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm đạt yêu cầu ngày càng giảm. Đó là những con số theo tôi dễ gây nên sự lo lắng, bất an cho người tiêu dùng. Tình trạng vi phạm các quy định về VSATTP từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều ở mức báo động”.

“Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”

Bà Kim Anh truy: Trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP thuộc về ai? Báo cáo của Chính phủ cho rằng việc quản lý VSATTP mỗi cơ quan chỉ nhận trách nhiệm về phạm vi quản lý được giao mà chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tay người tiêu dùng. Do đó, khi xảy ra tình trạng vi phạm VSATTP thì không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm đến tận cùng của vấn đề.

Bà Kim Bé bình luận: Cử tri đặt ra câu hỏi các thực phẩm vi phạm VSATTP vẫn được bày bán khắp nơi, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu trong khi quản lý lĩnh vực này có tới năm bộ liên quan? Có nghĩa là một con gà, một mâm cơm của người dân có tới năm bộ chức năng quản lý. Một công việc mà nhiều chủ thể quản lý sẽ dễ dẫn đến đùn đẩy, giống như câu nói dân gian là “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng mà vẫn nhập khẩu, ai chịu trách nhiệm thì bộ này đùn đẩy bộ kia, cuối cùng cũng không rõ trách nhiệm của ai. “Theo tôi, Bộ Y tế phải thể hiện vai trò nhạc trưởng của mình để tránh trách nhiệm chung chung như các kỳ họp trước đại biểu đã đặt ra” - bà Bé nhấn mạnh.

Thừa quy định, thiếu người làm

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy: Trong năm năm 2004-2008, đã có 337 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành, 930 văn bản do địa phương ban hành. “Văn bản không thiếu nhưng hỏi thì có tỉnh nói là họ chỉ đọc có... 13 văn bản” - PGS Nguyễn Đăng Vang, Phó đoàn giám sát, cho hay. Nguyên nhân, theo ông Vang là “thiếu người thực hiện, mỗi tỉnh chỉ có một người thì không thể gọi là lực lượng”.

Theo báo cáo của Chính phủ, kinh phí được cấp cho công tác quản lý chất lượng VSATTP giai đoạn 2004-2008 là 329 tỷ đồng, tính bình quân chỉ đạt 780 đồng/người/năm. Tại địa phương, thanh tra chuyên ngành về VSATTP mới được thành lập, ở trung ương Bộ Y tế có chín người, Bộ NN&PTNT có ba người. “Với mức đầu tư như vậy, rất khó cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP” - bản báo cáo cho hay.

Để giải quyết những khó khăn, bức xúc trong lĩnh vực VSATTP, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đề nghị QH tăng tiền, tăng người, tăng cường tuyên truyền, phân định rõ trách nhiệm và phải có quyết tâm chính trị cao. “Chất lượng cuộc sống thì VSATTP là quan trọng nhất, đề nghị QH xem đầu tư cho VSATTP là đầu tư cho phát triển” - ông Triệu nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm, ông Triệu tâm tư: Quyền thì có hạn, trách nhiệm thì vô hạn, một số bộ trưởng trong Chính phủ có tự trọng nói rằng mỗi khi QH hỏi đến trách nhiệm họ đều cảm thấy day dứt, đau khổ...

Đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng): Cảnh báo thực phẩm từ Trung Quốc

Hiện chúng ta quy định hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới không phải kiểm tra nhà nước về chất lượng. Nếu giá trị hàng hóa đó không quá hai triệu đồng/người/ngày lại được miễn thuế nhập khẩu. Đây là điều thuận lợi cho cư dân biên giới. Song thực tế rau, củ, quả tươi là nhóm hàng có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm mà số lượng hàng hóa này nhập vào Việt Nam không phải ít. Tại cửa khẩu Lào Cai, một ngày có 500-600 lượt người đưa rau, củ, quả tươi từ Trung Quốc sang Việt Nam, nếu nhân với giá trị hàng hai triệu đồng sẽ có lượng hàng hóa khoảng 1-1,2 tỷ đồng không được kiểm soát. Thêm vào đó, mỗi năm có hàng trăm tấn nội tạng động vật, chân gà tẩm phẩm màu hóa chất được đưa trái phép từ Trung Quốc vào nước ta là nguồn gây bệnh rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận): Người tiêu dùng thiệt, công ty sữa giàu lên

Một số thông tin cho biết giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới, có thật vậy không? Cử tri rất bức xúc vì nhà nước đã chi không biết bao nhiều tiền để xây dựng ngành chế biến sữa, có thể nói là hiện đại, thế mà người dân Việt Nam phải gánh chịu thiệt thòi trong khi các công ty sữa ngày càng giàu lên nhờ nhập sữa. Sao có sự bất hợp lý như vậy? Đã có những giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi người sản xuất sữa và người tiêu dùng trong nước chưa? Liệu thông qua thuế, nhà nước có thu được thuế tương xứng với cái mà các công ty nhập khẩu chế biến kinh doanh sữa thu được không?

Đại biểu Hoàng Thương Lượng (Yên Bái): Người thật lại bị xơi đồ giả

Để tồn tại thì con người không thể bỏ ăn nhưng người thì thật lại bị xơi đồ giả, thực phẩm kém chất lượng. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện nghiêm về VSATTP. Ý thức một bộ phận người dân còn kém, chủ quan trước thực phẩm bẩn. Hàng năm có từ 250 đến 300 triệu lít rượu, bia và đồ uống không bảo đảm VSATTP nhưng khi nâng lên đặt xuống thì vẫn là 100%. Thậm chí trâu, bò, gia cầm bị bệnh đã chôn lấp vẫn bị đào lên chế biến, tiêu thụ. Nhiều thực phẩm khô dư chất bảo quản, đồ uống đóng chai không rõ nhãn mác, chất lượng thấp được đưa lên miền núi, vùng cao tiêu thụ khá phổ biến.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm