Sát thực tế mới chống được “chạy chức, chạy quyền”

“Chạy chức...” đâu có báo cáo!

Sát thực tế mới chống được “chạy chức, chạy quyền” ảnh 1ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Nạn chạy chức, chạy quyền xảy ra khá phổ biến, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Người có phẩm chất, năng lực, nhưng không chịu chạy thì không được cất nhắc, đề bạt. Kẻ kém tài đức, nhưng khéo chạy có thể dễ dàng leo lên các thang bậc quyền lực. Có quyền, họ tìm cách thao túng, phá thủng nền nếp quản lý để đặc quyền, đặc lợi, kiềm chế, triệt tiêu người dám đấu tranh; tiếp tục đưa những kẻ xu nịnh, chạy chức, chạy quyền vào bộ máy nhà nước... Bộ trưởng là tư lệnh của lĩnh vực này có biết không? Nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Và Bộ trưởng sẽ làm gì để ngăn chặn?

BT Trần Văn Tuấn: Chúng ta đang thực hiện quy trình đề bạt, bố trí, sắp xếp cán bộ và Bộ Chính trị, Ban Bí thư có hướng dẫn về nội dung này. Chúng ta đã tiến hành làm chặt chẽ. Có thể nhận định một cách khái quát là các bộ ngành, địa phương thực hiện khá nghiêm túc. Đội ngũ cán bộ được chọn có trình độ, năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu công việc.

Về ý kiến chạy chức, chạy quyền... quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện một cách nghiêm túc sự chỉ đạo thông qua các quy trình công tác cán bộ, đánh giá, quy hoạch và các bước lấy ý kiến của cơ sở. Quan trọng nữa là phải công khai, dân chủ và trách nhiệm thì sẽ hạn chế được. Còn việc có ý kiến dư luận mà đại biểu biết như vậy, chúng tôi rất muốn nếu có điều kiện đại biểu cho chúng tôi biết được cụ thể người đó là ai, chạy chức, chạy quyền, bỏ tiền để chạy chọt, để tiêu cực, để gây nhũng nhiễu mà được đề bạt thì chúng tôi sẽ cùng với các cấp có trách nhiệm kiên quyết đề nghị xử lý.

ĐB Lê Văn Cuông: Bộ trưởng nêu là các quy trình của nhà nước về cất nhắc, đề bạt đã đi vào cuộc sống. Nhưng thưa Bộ trưởng, quy trình này trên văn bản thì đúng là qua nhiều cấp, phát huy vai trò tập thể, mang tính dân chủ, song bản chất chỉ là một vài người có thẩm quyền quyết định mà thôi.

Không có người nào chạy chức, chạy quyền mà đi đến báo cáo với Bộ trưởng cả. Vấn đề này đang hoạt động ngầm ở thực tiễn. Chỉ có sâu sát, đi vào thực tế, xem xét rất nghiêm túc thì mới phát hiện được và mới có biện pháp ngăn chặn. Cho nên, nếu Bộ trưởng chưa nắm được vấn đề này thì chúng tôi kiến nghị qua ý kiến cử tri và thực tế thì Bộ trưởng cần phải đi sâu, đi sát tìm hiểu xem chạy ở đâu, chạy chỗ nào và cách chạy như thế nào để mà có văn bản, có thiết chế để ngăn chặn kịp thời.

Bộ trưởng hỏi cụ thể, thì kỳ họp trước tôi đã nêu: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, nguyên giám đốc tuyển 200 người vào, mỗi người phải nộp vài ba chục triệu. Còn gần đây, nguyên Bí thư thị xã Tây Ninh vi phạm pháp luật về đất đai, bị Ban Bí thư kỷ luật cách chức, nhưng mới được hơn năm, lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Xây dựng, trong khi việc khắc phục hậu quả sai phạm về đất đai vẫn còn ngổn ngang làm cho dư luận rất bức xúc. Không có sự chạy trong đó thì làm sao có chuyện đề bạt lạ đời đến như vậy?

BT Trần Văn Tuấn: Tôi không phải không thừa nhận việc trong quá trình đề bạt, sắp xếp cán bộ còn có những việc làm chưa đúng. Nhưng ý tôi muốn nói những việc cụ thể đại biểu biết thì cho chúng tôi biết để chúng tôi kiên quyết cùng các cấp có thẩm quyền xử lý. Còn việc cần phải tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cấp trong đề bạt cán bộ là những vấn đề mà đại biểu góp ý, chúng tôi rất đồng tình, xin cảm ơn Quốc hội.

Người ngoài Đảng đạt chuẩn vẫn đề bạt

Sát thực tế mới chống được “chạy chức, chạy quyền” ảnh 2ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Hình như tuyệt đại đa số cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên đều phải là đảng viên, chắc Bộ trưởng có con số cụ thể về thực trạng này. Đất nước ta có 85 triệu dân, vậy theo Bộ trưởng, không sử dụng những người ngoài Đảng như hiện nay kể cả những người Việt sinh sống ở hải ngoại có phải là lãng phí nguồn nhân lực? Phải chăng người ngoài Đảng, tức là đại đa số dân ta đều thiếu năng lực và phẩm chất lãnh đạo? Bộ trưởng có thể tham mưu cho nhà nước vừa giữ được quyền lãnh đạo của Đảng mà vẫn đảm bảo quy định của Hiến pháp, mọi công dân đều có quyền tham gia công việc quản lý đất nước?

BT Trần Văn Tuấn: Bộ Nội vụ không trình văn bản nào đề xuất đảng viên mới được đề bạt, mà luôn nêu tiêu chuẩn, kể cả người ngoài Đảng đạt thì vẫn bố trí, sắp xếp. Tôi biết, ta phấn đấu có tỷ lệ đại biểu không phải đảng viên tham gia Quốc hội.

Hôm nay ở diễn đàn Quốc hội, tôi báo cáo là hoàn toàn chia sẻ ý kiến đó của đại biểu. Những người có đạo đức phẩm chất, có năng lực trình độ, có nhiệt tình đóng góp xây dựng Tổ quốc thì phải được sử dụng tương xứng.

NGHĨA NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm