Thiên tai có thể gây thâm hụt 6,7% GDP mỗi năm

Đại diện 34 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế đã tham gia Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2009 (CG-2009) khai mạc tại Hà Nội sáng qua (3-12).

Trong điều kiện Việt Nam đặt chân đến giới hạn của một quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình (trên 1.000 USD/người/năm) và ngày càng khó tiếp cận vốn ODA ưu đãi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ Việt Nam ứng phó với các nguy cơ của biến đổi khí hậu.

Ẩn họa nhìn thấy trước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản đã được xây dựng, nếu nước biển dâng từ 75 cm đến 1 m thì có tới 19%-33% diện tích đồng bằng bị ngập nước. Điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội Việt Nam và an ninh lương thực thế giới vì Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu. Vì vậy, Việt Nam mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thiên tai có thể gây thâm hụt 6,7% GDP mỗi năm ảnh 1

Những rủi ro thiên tai ngập lụt như thế này cũng ảnh hưởng đến GDP. Trong ảnh: Ngập lụt ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam do ảnh hưởng bão số 9. Ảnh: TTXVN

Trong thuyết trình gửi tới hội nghị, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia hứng chịu những hiện tượng thời tiết khô hạn trong hai, ba thập kỷ tới. Những rủi ro từ thiên tai gây ra cho khu vực này có thể gây mức thâm hụt 6,7% GDP mỗi năm cho tới năm 2100.

ADB cho rằng: Khả năng thích ứng của một nước phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế-xã hội và con người, những cái liên quan mật thiết với thu nhập, sự bất bình đẳng, đói nghèo, dân trí; năng lực quản trị các thể chế công và tài chính công; sự sẵn có hoặc đủ những dịch vụ công bao gồm giáo dục, sức khỏe, an sinh xã hội; năng lực đa dạng hóa kinh tế, đặc biệt là ở địa phương.

Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - ông Jesper Morch kêu gọi Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần hành động ngay từ bây giờ. Theo ông, Việt Nam có thể tận dụng được các nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế nhằm làm giảm tác động của biến đổi khí hậu hoặc nâng cao khả năng thích ứng với hiện tượng này. Là một trong những nước “đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu” nên Việt Nam xứng đáng hưởng những khoản tài chính “mới bổ sung” theo Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc.

Cẩn thận trước cái bẫy nước có thu nhập trung bình

Nhóm quan hệ đối tác về hiệu quả viện trợ tuyên bố: Sau năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình trên 1.000 USD/người/năm thì quy mô, tính chất và các điều kiện ODA sẽ có nhiều thay đổi. Viện trợ không hoàn lại sẽ thu hẹp hơn, hỗ trợ kỹ thuật sẽ tập trung hơn, nhiều kênh tín dụng và vốn vay mới sẽ mở ra với những điều kiện vay, trả sát với các điều kiện thị trường.

Theo báo cáo của Chính phủ thì sau năm 2010, Việt Nam sẽ kêu gọi ODA tập trung cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế và xã hội quy mô lớn, đồng bộ và hiện đại. Cạnh đó, Việt Nam kêu gọi hỗ trợ cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các chương trình xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Các loại vốn vay ODA kém ưu đãi sẽ được sử dụng cho cả lĩnh vực sản xuất có khả năng hoàn trả cao để tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giám đốc WB - bà Victoria Kwakwa nói :“Việt Nam phải cẩn trọng hơn với tăng trưởng nhanh để tránh cái bẫy của những nước có thu nhập trung bình. Trước đây, Việt Nam đã dũng cảm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bây giờ Việt Nam cũng cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa trước thách thức về năng suất, chất lượng và hiệu quả nền kinh tế, làm sao để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng nhà nước pháp quyền, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát là những đòi hỏi trước tiên”. Các đại sứ Mỹ, Thụy Điển, đại diện Cộng đồng châu Âu và giám đốc ADB cũng có cùng nhận định.

Nhật cam kết viện trợ Việt Nam 1,6 tỉ USD

Giải ngân ODA 2009 đạt mức kỷ lục.

Đại sứ Nhật Bản Sakaba Mitsuo tiết lộ: Với cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hồi phục kinh tế, trong đó cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công nghiệp phụ trợ, xóa đói giảm nghèo là các lĩnh vực tiếp tục nhận được ưu tiên. Tổng số vốn ODA mà Nhật Bản cam kết hỗ trợ cho Việt Nam là 1,6 tỉ USD trong năm 2010.

Trả lời báo chí về vụ án PCI mà Việt Nam đã tiếp nhận và đang xem xét, ông Sakaba Mitsuo nói: Từ phía Nhật, các cá nhân PCI đã bị phán quyết có tội vì hối lộ quan chức Việt Nam. Chúng tôi đang đợi Chính phủ Việt Nam hành động để trừng phạt người được cho là đã nhận tiền từ công ty Nhật.

Theo báo cáo của Chính phủ, để hiện thực hóa cam kết của các nhà tài trợ tại CG năm 2008 là hơn 5,9 tỉ USD vốn ODA, từ đầu năm đến nay đã ký hơn 5,4 tỉ USD. Trong đó của Nhật Bản hơn 2,1 tỉ USD và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hơn 1,3 tỉ USD.

Kế hoạch giải ngân năm 2009 được giao là 1,9 tỉ USD nhưng trên thực tế mức giải ngân đạt khoảng 3 tỉ USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đây là mức giải ngân cao và đầy ấn tượng so với các năm gần đây.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm