Chiều 27-2, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020; sơ kết 2 năm thực hiện Quy định 1374 ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Theo báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy, đối với cấp thành phố trong hai năm 2018 và 2019, Tổ công tác 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp nhận 361 thông tin phản ánh. Hiện đã giải quyết được 345 vụ việc (đạt hơn 95%), đang thẩm tra xác minh đối với 16 vụ việc và xem xét, xử lý một số thông tin dư luận phản ánh của cán bộ, đảng viên, nhân dân và của cơ quan báo chí.
Kết quả, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng. Qua đó đã xử lý về mặt Đảng: khiển trách 4 tổ chức đảng và 41 đảng viên (khiển trách 19, cảnh cáo 18, cách chức 4). Về mặt chính quyền đã xử lý 29 trường hợp, trong đó khiển trách 15 người, cảnh cáo 8 người, cách chức 2 người, hạ bậc lương 1 người và buộc thôi việc 3 người.
Đối với các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy, trong hai năm qua đã tiếp nhận 3.009 thông tin phản ánh và đã xử lý 2.854 vụ (đạt hơn 94%) và đang xử lý 155 vụ.
Còn đối với cấp ủy cấp dưới trực thuộc Thành ủy, đã tiếp nhận 4.638 thông tin và đã xử lý được 4.407 thông tin, đang xử lý 231 thông tin.
Từ các thông tin phản ánh trên, cơ quan chức năng đã khiển trách 2 tổ chức Đảng và xử lý kỷ luật 203 đảng viên. Trong đó khiển trách 120 đảng viên, cảnh cáo 63 đảng viên, cách chức 12 đảng viên và khai trừ 8 đảng viên.
Về mặt chính quyền, đã thi hành kỷ luật 275 trường hợp, trong đó khiển trách 111 người; cảnh cáo 61 người; cách chức 17 người; kéo dài thời gian nâng bậc lương, giáng cấp, chuyển vị trí công tác 68 người; buộc thôi việc, sa thải 18 người. Cơ quan chức năng cũng chuyển cơ quan pháp luật xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 3 trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cho biết số lượng thông tin phản ánh được các cấp ủy chỉ đạo giải quyết ngày càng tăng. Việc thực hiện quy trình giải quyết thông tin phản ánh và xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân vi phạm bước đầu đã phát huy được hiệu quả, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Theo ông Hiếu, một số cơ quan báo chí cũng đã phát hiện, phản ánh những thông tin về những sai phạm, tiêu cực trong các lĩnh vực như công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, tài chính, tài sản công, công tác cán bộ, cải cách hành chính... Qua đó giúp các địa phương, đơn vị chủ động xử lý các vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng khẳng định việc thực hiện Quy định 1374 vẫn còn nhiều hạn chế như một số cơ quan, đơn vị xử lý và giải quyết các thông tin phản ánh chưa đảm bảo quy trình và thời gian theo Quy định 1374; chưa kịp thời công khai kết quả xử lý, giải quyết đến đối tượng phản ánh... Thông tin phản ánh từ các cơ quan dân cử và hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp còn ít; một số vụ việc báo chí phản ánh chưa đúng thực tế...
Trước đó, báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu cho biết trong năm qua, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp đã tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm, có nhiều phản ánh của nhân dân và những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, có nhiều đơn thư.
Từ đó, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng (tăng 14 tổ chức đảng so với năm 2018) bằng các hình thức: khiển trách 13 và cảnh cáo 4.
Về xử lý kỷ luật đảng viên, Ban Thường vụ Thành ủy đã thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với một đảng viên. Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 408 đảng viên (giảm 1 đảng viên so với năm 2018), trong đó khiển trách 294 đảng viên, cảnh cáo 97 đảng viên, cách chức 13 đảng viên...
Nội dung vi phạm chủ yếu về thực hiện không đúng quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm các quy chế về công tác quy hoạch, đề bạt, điều động, bố trí cán bộ; quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...