Tiếp xúc cử tri: Công khai, rộng rãi hơn

Ngày 1-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH). Theo đó, các địa phương phải thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể dự các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT).

“Đại cử tri”

Thời gian qua, hầu hết người dân trên địa bàn TP.HCM đến dự các cuộc TXCT phải có thư mời, đặc biệt là những cuộc tiếp xúc với đại biểu QH (ĐBQH) là cán bộ cao cấp.

Có cử tri thắc mắc tại sao họ cũng là người góp một lá phiếu bầu ra ĐBQH nhưng khi đại biểu đi TXCT thì họ lại không được dự. Cũng có nơi hễ đến kỳ TXCT là biết sẽ có những cử tri nào phát biểu. Nếu cử tri đó phát biểu chuyện chung, vấn đề đại sự quốc gia thì không bàn, ở đây, lần nào người này cũng phản ánh một vấn đề bức xúc cá nhân khiến đại biểu cũng phải ngán!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 4 Huỳnh Văn Nở cho biết trước đây ở quận có những cử tri lần tiếp xúc nào cũng dự. Để tiện cho khâu chuẩn bị, sắp xếp hội trường, quận này tổ chức mời cử tri đi dự TXCT bằng cách giao về cho phường chỉ tiêu số người đi dự mà không thông báo rộng rãi.

“Trước thực tế chọn “đại cử tri” đi tiếp xúc như vậy, chúng tôi nghĩ rằng phải lập một danh sách để theo dõi sự luân phiên đi dự TXCT của cử tri từng phường. Tại cuộc tiếp xúc, không phải tất cả cử tri của phường đều có nhu cầu phát biểu, có người chỉ muốn nghe tình hình đất nước thông qua TXCT với ĐBQH. Đó cũng là nhu cầu của họ mà mình phải tôn trọng” - ông Nở cho biết.

Tiếp xúc cử tri: Công khai, rộng rãi hơn ảnh 1

Cử tri quận Bình Tân phản ánh tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm với ĐBQH với những chai nước minh họa rất sinh động. (Ảnh chụp năm 2008) Ảnh: N.NAM

Thư mời hay không thư mời?

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số địa phương do địa điểm TXCT không phải rộng rãi gì, đồng thời ĐBQH thường chỉ có một buổi để tiếp xúc với cử tri một quận nên ban tổ chức phải “gói ghém” số người dự để thông tin cử tri phản ánh đến đại biểu là chung nhất, đầy đủ nhất.

Ông Tân dẫn chứng thực tế do tổ đại biểu mỗi lần tiếp xúc chỉ yêu cầu chọn một điểm và làm trong một buổi nên quận thường chọn nhà thiếu nhi quận sức chứa 500 chỗ. Như vậy quận phát hành thư mời hết 500 chỗ thì thôi.

Cách làm của quận 2 là thông báo cho phường rồi phường báo cho khu dân cư xem mời ai đi chứ không phát loa để ai muốn đi thì đi. “Nếu người ta đi đông quá mà không có chỗ ngồi thì vô tình lại tạo ra cảnh nhếch nhác không hay. Dân chủ ở đây là thông báo phân bổ cho các đơn vị rồi từ các khu phố người dân sẽ chọn đại diện cử tri cho mình để đi tiếp xúc. Tất nhiên không chọn cử tri chuyên nghiệp mà sẽ luân phiên” - ông Tân nói.

Còn theo ông Nở, quận 4 đã thực hiện cải tiến việc TXCT từ lần tiếp xúc của đại biểu trước kỳ họp thứ hai vừa qua. Theo đó, vẫn có hình thức gửi thư mời nhưng việc thông báo rộng rãi hơn. Sau khi phường nhận được chỉ tiêu về số cử tri dự kiến mời thì sẽ cho dán thông báo lịch TXCT trên các bảng tin khu phố. Song song đó, tổ trưởng tổ dân phố sẽ thông báo đến tất cả người dân trong buổi họp dân trước khi diễn ra TXCT từ bốn đến bảy ngày, ai muốn đi dự thì lên phường nhận thư mời.

Ngoài phát thư mời, quận Thủ Đức còn yêu cầu các phường thông báo rộng rãi trên loa phát thanh để ai muốn dự thì dự. “Nhưng không phải lúc nào người dân cũng tham gia đông đủ. Chúng tôi phát hành thư mời là do điều kiện hội trường có hạn, cử tri không có thư mời mà muốn vào dự thì vẫn vào bình thường” - bà Bùi Thị Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Thủ Đức, cho hay.

Theo ông Tân, quận 2 đang bàn với đoàn ĐBQH tổ chức thêm điểm tiếp xúc. Các buổi TXCT sẽ được phát thanh lại ở các phường để cử tri không đi dự vẫn có thể biết được. Những văn bản trả lời kiến nghị cử tri sẽ đưa xuống phường dán công khai ở bảng tin hoặc thông báo rộng rãi cho bà con được biết.

Phải linh hoạt để mọi cử tri cùng dự TXCT

TXCT phải có tổ chức và muốn có tổ chức thì phải có thư mời. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn phải thông báo rộng rãi để cử tri có thể tới gặp đại biểu, phát biểu, đề xuất ý kiến, kiến nghị. Tức là công tác tổ chức TXCT phải linh hoạt để mọi cử tri được tham dự buổi tiếp xúc với đại biểu chứ không phải có thư mời mới được dự.

NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, Chủ tịch HĐND TP, lưu ý tại buổi TXCT giữa tổ đại biểu HĐND TP với cử tri cụm phường Linh Trung, quận Thủ Đức sáng 11-11

Phát giấy mời để chủ động tổ chức

Phát thư mời là để kiểm soát được số lượng cử tri dự kiến đi dự để bố trí cơ sở vật chất phục vụ được tốt hơn (như âm thanh, ánh sáng, chỗ ngồi, nước uống). Hơn nữa phát thư mời còn giúp công tác tổ chức không bị động.

Ông NGUYỄN DUY TÂN, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 2

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm