NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Tòa án hiến pháp phải độc lập

Đó là ý kiến được rất nhiều nhà luật học đưa ra khi đề cập tới việc thiết lập cơ chế bảo hiến trong hội thảo “Sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp - Văn phòng Quốc hội tổ chức mới đây. Theo các chuyên gia, để đảm bảo sự độc lập của tòa án hiến pháp, Quốc hội sẽ là cơ quan bỏ phiếu bầu và thực hiện việc bãi miễn đối với các thẩm phán tòa án hiến pháp có vi phạm.

Từ chuyện xe máy đến nhu cầu bảo hiến

Theo ThS Bùi Ngọc Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ đầu những năm 2000, Hà Nội và TP.HCM đã phải đối diện với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, năm 2003, UBND TP Hà Nội đã khởi xướng chính sách “một người một xe máy” áp dụng ở một số quận nội thành. Cùng năm đó, Bộ Công an ban hành thông tư áp dụng chính sách này trên toàn quốc. Điều này khiến cho dư luận băn khoăn về tính hợp hiến của các quy định trên.

Trước tình trạng trên, theo ông Sơn, năm 2005, Bộ Tư pháp đã có ý kiến cho rằng việc giới hạn đăng ký xe máy vi phạm Điều 58 của hiến pháp về quyền tài sản của công dân. Đồng thời cũng vi phạm Bộ luật Dân sự trong quy định về sở hữu tư nhân không giới hạn về số lượng và giá trị. Vì thế, cuối năm 2005, Bộ Công an đã hủy bỏ quy định về giới hạn đăng ký xe máy.

Tòa án hiến pháp phải độc lập ảnh 1

Việc giới hạn đăng ký xe máy đã một lần phải hủy bỏ về tính hợp hiến. Trong ảnh: Đăng ký xe máy tại TP.HCM. Ảnh: HTD

“Đây có lẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam, hiến pháp được viện dẫn thành công trong việc bảo vệ các quyền căn bản của công dân. Đồng thời, nó cũng cho thấy nhu cầu cần phải có chế độ bảo hiến, hay tòa án hiến pháp để bảo vệ tính tối cao của hiến pháp và các quyền hiến định của công dân trước khả năng lạm quyền của công quyền” - ông Sơn nói.

Tương tự, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (ĐH Quốc gia TP.HCM) và TS Võ Trí Hảo (ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng cần thiết phải có cơ quan tài phán về hiến pháp cho Việt Nam. “Bảo đảm tính tối cao của hiến pháp là biện pháp chủ yếu nhằm bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật. Đây cũng là điều kiện để pháp luật được tôn trọng, thực thi bằng ý thức tự giác của các chủ thể” - PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện khẳng định.

Mô hình nào cho Việt Nam?

Theo ông Điện, hiện nay chỉ có tòa án có quyền nói tiếng nói của công lý, cả trong cuộc sống tư nhân, hoạt động quản lý nhà nước và trong việc làm luật. Do đó, ông Điện cho rằng mô hình tốt nhất mà Việt Nam cần lựa chọn khi xây dựng cơ quan bảo hiến là xây dựng Tòa án hiến pháp độc lập và chuyên trách, đảm nhận chức năng bảo hiến và được giao thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm do Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, vẫn duy trì cơ chế giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm hiện tại với một vài điều chỉnh hợp lý.

Ngoài ra, theo ông Điện, về mô hình tổ chức nên thực hiện bằng cách Quốc hội bỏ phiếu bầu ra các thành viên của cơ quan bảo hiến. Sau khi được bầu, các thẩm phán bảo hiến sẽ thực hiện nhiệm vụ suốt đời, dưới sự giám sát của xã hội thông qua vai trò của các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc. Khi đó, những thẩm phán không đủ điều kiện về phẩm chất có thể bị Quốc hội bãi miễn theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc.

TS Võ Trí Hảo cũng cho rằng tòa án hiến pháp cần phải độc lập và tách bạch với TAND Tối cao. “Nhưng để thực hiện được điều này, cần phải có lộ trình thực hiện nhất định. Do đó, nếu cơ chế bảo hiến được chính thức thực hiện thì trong giai đoạn đầu có thể giao cho TAND Tối cao hiện hành thực hiện chức năng tài phán hiến pháp. Sau đó khoảng 10 năm sẽ thực hiện việc chuyển đổi sang mô hình tòa án hiến pháp độc lập” - TS Võ Trí Hảo nêu quan điểm.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm