TP.HCM: Bầu trực tiếp chủ tịch xã

Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các mặt cần thiết để thực hiện thí điểm đề án nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã ngay khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Xung quanh đề án này, vai trò của Mặt trận Tổ quốc TP với tư cách là cơ quan tập hợp quần chúng rất quan trọng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP nói: Việc thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã là bước đầu thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Nếu chúng ta thực hiện được điều này một cách đúng đắn, không hình thức thì đây là bước tiến đáng kể về quyền làm chủ của người dân.

Hết chuyện bỏ phiếu giùm

. Thưa ông, phải chăng quyền làm chủ của người dân thông qua HĐND xã bấy lâu nay không được thực hiện đầy đủ nên mới phải thí điểm để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã?

+ Đúng là cách bầu lãnh đạo chính quyền địa phương theo cơ chế dân bầu HĐND và HĐND bầu chính quyền lâu nay chưa thật sự thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Vai trò của HĐND xã cũng còn rất hạn chế. Có nhiều lãnh đạo ỷ lại cơ chế HĐND thông qua nên chỉ cần “lấy lòng” HĐND thì vẫn tồn tại mặc dù phẩm chất, năng lực đã không còn tạo được lòng tin ở dân.

. Vậy việc để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ khắc phục được những hạn chế gì của cơ chế hiện tại, thưa ông?

+ Thứ nhất, người dân trực tiếp bầu sẽ khắc phục việc họ không thể dùng lá phiếu của mình chọn lựa người đại diện chính quyền theo ý chí, nguyện vọng của mình. Thứ hai, cách mà chúng ta hay làm lâu nay thường hạn chế quyền ứng cử của người dân và có những cách thức loại ứng cử viên trước khi bầu. Ví dụ quy định về nơi ở trong Luật Bầu cử đại biểu HĐND đã loại rất nhiều ứng cử viên có năng lực. Kinh nghiệm cho thấy có những người rất giỏi trong lĩnh vực chuyên môn nhưng chưa thật sự rõ tình hình địa phương thì bị loại ngay từ đầu. Việc người dân trực tiếp lựa chọn lãnh đạo thì sự lựa chọn cao nhất phải là từ người dân.

Quan trọng nhất là người dân sẽ ý thức được sức mạnh lá phiếu của chính mình. Khi người dân ý thức được điều này sẽ khắc phục được việc bỏ phiếu dùm, xem việc bỏ phiếu như “đến hẹn lại lên” chứ không phải ngày hội làm chủ của quần chúng...

Dân có quyền cách chức lãnh đạo sai phạm

. Nhiều người cho rằng để dân trực tiếp bầu thì lãnh đạo sẽ phải “sợ” dân hơn. Ông nghĩ sao?

+ Điều này cũng làm cho các quan chức phải thật sự tôn trọng người dân. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói “Đôi khi cán bộ sợ Đảng hơn sợ dân”. Nhưng với cơ chế này, dù Đảng giới thiệu nhưng nếu anh lôi thôi thì người dân có thể dùng lá phiếu của mình để cách chức. Sự tương tác song song giữa người dân và chính quyền được tạo ra. Bằng lá phiếu người dân sẽ giám sát trực tiếp chính quyền mình bầu và bản thân người lãnh đạo cũng phải tôn trọng dân. Nếu không làm dân hài lòng, anh sẽ bị cách chức thôi.

. Theo ông, cơ chế cách chức sẽ như thế nào?

+ Người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, còn HĐND giám sát hoạt động của chính quyền để theo dõi các sai sót. Ngay cả giữa nhiệm kỳ, nếu người dân thấy lãnh đạo đó không đủ năng lực có thể đề nghị HĐND tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu không đạt thì cách chức. Và với cơ chế dân trực tiếp bầu, nếu người được bầu có những sai phạm nghiêm trọng thì dân sẽ tổ chức bầu lại.

Theo cơ chế này, HĐND sẽ chú trọng hơn vào giám sát chứ không phải loại bỏ vai trò của HĐND. Một người được dân tin bầu lên nhưng khi nắm quyền lực, người đó có thể biến chất. Vì vậy, HĐND phải giám sát hoạt động của chính quyền. Nhưng sức nặng giám sát của HĐND sẽ mạnh hơn khi trao quyền quyết định về nhân dân.

Nếu trước đây chủ tịch xã thường nằm trong HĐND, sự giám sát của HĐND thường mang tính vị nể nên khi người này có sai phạm gì, HĐND thường làm không tới nơi. Bây giờ với cách thức như thế này, quyền quyết định là ở dân, dân sẽ giám sát cùng với HĐND. Ai sai phạm, làm mất lòng tin ở dân thì dân kiến nghị cách chức và trực tiếp bỏ phiếu để cách chức.

Khi được bầu trực tiếp, người dân xã biết rõ hơn ai hết để lựa chọn lãnh đạo cho địa phương mình. Trong ảnh: Làm thủ tục giấy tờ tại cơ quan xã. Ảnh minh họa: HTD
Khi được bầu trực tiếp, người dân xã biết rõ hơn ai hết để lựa chọn lãnh đạo cho địa phương mình. Trong ảnh: Làm thủ tục giấy tờ tại cơ quan xã. Ảnh minh họa: HTD

Hãy tin sự lựa chọn của dân

. Ông nói để chủ trương này thực sự là bước tiến bộ thì phải tránh cách làm hình thức. Cụ thể là ta cần tránh điều gì để chủ trương này thực sự thể hiện quyền làm chủ của người dân?

+ Đây là chủ trương đúng nhưng cách thức thực hiện như thế nào để đảm bảo quyền dân chủ của người dân thì phải tính toán cho kỹ, nhất là không để rơi vào lối hình thức. Thói quen, não trạng từ trước tới giờ là ta cứ hay sợ, nhiều cái sợ vu vơ. Giờ ta phải tin vào người dân. Dân có thể tự quyết định lấy người lãnh đạo của mình.

. Nghĩa là việc này phải tin vào dân để thực hiện một cách quyết liệt?

+ Nếu thấy đây là chủ trương tiến bộ thì phải làm cho nó thật sự tiến bộ. Chúng ta nói thể hiện quyền làm chủ của người dân một cách trực tiếp thì phải tin sự lựa chọn của dân. Dân sẽ biết và hiểu năng lực của người lãnh đạo mà địa phương mình cần có.

Điều này sẽ tránh được tình trạng bè phái ở các chính quyền địa phương. Ý tôi là tránh được “ê-kíp” theo hướng tiêu cực. Hơn nữa, trong cơ chế này, người tài vừa có năng lực vừa có phẩm chất đạo đức sẽ được tạo điều kiện để phát huy. Đây cũng là cơ sở pháp lý vững chắc cho những người có tâm, có tấm lòng tham gia vào việc lãnh đạo địa phương.

. Theo ông, trước mắt TP chúng ta nên chú trọng điều gì để thực hiện chủ trương này cho tốt?

+ Phải tổ chức quán triệt trong hệ thống chính trị của mình. Quan trọng nhất là phải phân tích làm sao để cho người dân thấy đây là bước phát triển để mình là người làm chủ thực sự. Vì thế, các tổ chức đoàn thể, nhất là mặt trận phải thấy hết ý nghĩa của nó để thực hiện.

Đây là chủ trương tiến bộ đáng kể trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Tôi mong chủ trương này sớm được thực tiễn hóa và thực tiễn hóa một cách thật sự.

. Xin cảm ơn ông.

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm