Trên nửa thế kỷ Công đoàn thực hiện lời kêu gọi của Bác

Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động, tổ chức, đã thu hút hàng triệu CNVC-LĐ tham gia.
Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động, tổ chức, đã thu hút hàng triệu CNVC-LĐ tham gia.

Hưởng ứng lợi kêu gọi thi đua của Người, Công đoàn Việt Nam luôn đi tiên phong trong vận động, tổ chức CNVC-LĐ kiên cường dũng cảm trong đấu tranh chống kẻ thù, cần cù, sáng tạo trong LĐSX, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động, tổ chức đã thu hút hàng triệu CNVC-LĐ tham gia, đã tạo động lực mạnh mẽ, khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo, tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua mọi khó khăn thử thách, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đặc biệt trong hơn hai mươi năm đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, CĐVN vẫn luôn thấm nhuần lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bất kỳ việc làm gì đều cần phải thi đua nhau". Các cấp công đoàn đã từng bước đổi mới tư duy để nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò của công tác thi đua trong tình hình mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi cơ quan, đơn vị, trong mọi thành phần kinh tế hiểu rõ: Tổ chức thi đua trong CNVC-LĐ giai đoạn hiện nay là cần thiết khách quan, nhằm tạo động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên đông đảo CNVC-LĐ phát huy tính tích cực, sáng tạo, kiên quyết khắc phục khó khăn đưa dân tộc ta vươn lên ngang tầm với các dân tộc khác trên thế giới.

Các cấp công đoàn đã căn cứ vào nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, dựa trên các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đã tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, xây dựng nội dung, chương trình, mục tiêu, tiêu chuẩn thi đua và chủ động phát động, tổ chức các phong trào thi đua với các hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng thời, công đoàn đã chú trọng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo, lựa chọn phương pháp, tổ chức chỉ đạo thi đua thích hợp để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn mọi cá nhân, tập thể trong các lĩnh vực tham gia thi đua, từng bước khắc phục phương pháp hành chính, quan liêu, nặng về chủ nghĩa thành tích, hình thức phô trương.

Các cấp công đoàn đã kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua có tính chất ổn định lâu dài, như phong trào thi đua Lao động giỏi, phong trào Vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức "trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu" với các phong trào thi đua ngắn ngày nhân các sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành, địa phương.

Từ thực tiễn phong trào thi đua do công đoàn phát động, tổ chức đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua; đã có hàng vạn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công trình sản phẩm mới được thực hiện, làm lợi hàng ngàn tỉ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Góp phần to lớn vào thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ngày nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, thì vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thi đua lại càng là yêu cầu cấp bách và quan trọng.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thi đua ái quốc, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người: "Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất" và "Người người thi đua, ngành ngành thi đua", bởi vì "Nhờ có thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, nhân dân càng sung sướng", thi đua còn góp phần cải tạo để hoàn thiện nhân cách, lối sống con người: "Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua cải tạo con người".

Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tổ chức, chỉ đạo sâu rộng các phong trào thi đua LĐSX, học tập công tác và hoạt động xã hội, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, với những nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả để tạo động lực mạnh mẽ lôi cuốn và khơi dậy mọi tiềm năng, trí tuệ của CNVC-LĐ góp phần tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để công tác thi đua đạt được hiệu quả cao, các cấp công đoàn cần chú trọng xây dựng, nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt trong CNVC-LĐ.

Chú trọng công tác sơ - tổng kết, đánh giá khách quan những thành tích đạt được và tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với động viên, khuyến khích xứng đáng, kịp thời về vật chất và tinh thần, coi trọng khen thưởng đối với những CNVC-LĐ trực tiếp LĐSX.

Cần phân công cụ thể cán bộ có trách nhiệm, có năng lực, trình độ, có tài năng, nghệ thuật lôi cuốn quần chúng trong các phong trào thi đua để xây dựng, chỉ đạo, theo dõi, sơ - tổng kết phong trào thi đua và tăng cường phối hợp giữa các cấp công đoàn với các ngành, các địa phương trong tổ chức chỉ đạo thi đua, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

• Hà Nội: Ngày 10.6 tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Tập đoàn VNPT đã thực hiện học tập và phát động thi đua yêu nước nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6). Tại lễ kỷ niệm, các cơ quan trên đã có "Quyết tâm thư" phấn đấu hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ năm 2008. Nhân dịp này, VNPT đã có 3 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba, 19 cá nhân được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. A.X

• Tại TP.Hồ Chí Minh, Thường vụ Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã phát động phong trào thi đua xây dựng con người mới XHCN; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Thành Cung - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu 7 - nhấn mạnh: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới, LLVT quân khu phải là lực lượng nòng cốt cho toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trên địa bàn; đi đầu trong nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn...

• Tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động đợt thi đua mới quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Riêng lĩnh vực kinh tế, tỉnh kiên quyết không cắt giảm chỉ tiêu mà phấn đấu hoàn thành tăng trưởng GDP 18% trở lên, thu ngân sách đạt 6.200 tỉ đồng, vượt 1.000 tỉ đồng so với năm trước.

• Thành phố Hải Phòng đã phát động phong trào yêu nước trong các tầng lớp nhân dân gắn với đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện "Dân vận khéo", khơi nguồn sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân nhằm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

• Tỉnh Nam Định đã phát động trong toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân đợt thi đua mới lập thành tích cao nhất, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trong năm 2008 và kế hoạch 5 năm (2006-2010) với mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP đạt 12% và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đạt tỉ lệ: Công nghiệp, xây dựng 37,5%; dịch vụ 35% và nông-lâm-ngư nghiệp 27,5%.

Q.H (Theo TTXVN)

Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN

Theo Lao Động

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm