Từ lời xin lỗi của thị trưởng

6.000 vé đã được bán hết trên mạng trong vòng 45 phút từ đầu tháng 2-2008. Những người kém may mắn phải xếp hàng dài giữa ngày đông lạnh giá, thậm chí có người cắm trại qua đêm bên ngoài sân vận động với hy vọng mua được những chiếc vé cuối cùng. Và rồi hàng ngàn người phải thất vọng về không.

Sự thất vọng chuyển thành phẫn nộ khi tờ báo địa phương đưa tin các ông nghị trong hội đồng thành phố được ưu ái mua hơn 100 vé từ trước khi các quầy vé mở cửa, riêng ngài thị trưởng được mua 11 vé (đương nhiên là bằng tiền túi của mình). Trên màn hình tivi Canada AM, cô bé Kelly Wilson giận dữ: “thật là bê bối bởi chúng tôi chỉ được mua mỗi người tối đa sáu vé và bây giờ bạn biết rằng ông thị trưởng cùng các thành viên của hội đồng lại mỗi người mua được ít nhất tám vé!”. Đó là phản ứng của xã hội.

Thế rồi, theo cách ứng xử thông thường, thị trưởng công khai nhận lỗi: “Quyết định của tôi về việc cung cấp vé quá nhiều và trước công chúng cho hội đồng là vội vã và thiếu cân nhắc. Vì điều này, tôi xin lỗi!”. Không chỉ xin lỗi dân, ngài thị trưởng yêu cầu các ông nghị trả lại 71 vé cho nhà tổ chức và riêng ông nêu gương trả lại toàn bộ số vé đã mua.

Từ sự phẫn nộ của công chúng và cách họ được quyền bày tỏ sự phẫn nộ đó để dẫn đến lời xin lỗi của ông thị trưởng, rồi cung cách ứng xử của người đứng đầu một thành phố có thể dễ dàng hiểu ra được môi trường xã hội với mối quan hệ giữa người và người, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với công dân, nổi bật là cách hành xử của người đứng đầu nhà nước pháp quyền địa phương trước phản ứng của dư luận xã hội. Công bằng, dân chủ và văn minh có thể nhìn thấy một cách cụ thể và đơn giản trong ứng xử của nhà cầm quyền và người dân.

Chỉ với chuyện những “công bộc của dân” được ưu tiên mua trước vé một buổi hòa nhạc, thay vì được mua sáu vé như dân được mua, các nghị sĩ được mua tám vé là đã đủ khiến cho dân bất bình và người đứng đầu chính quyền thành phố đã phải xin lỗi. Chút ưu tiên nhỏ xíu đó phải trả lại cho xã hội để đảm bảo tính công bằng của một xã hội văn minh! Dân được quyền công khai bày tỏ phẫn nộ về sự thiếu công bằng. Đó chính là sự phản biện xã hội thể hiện một cách lành mạnh và dung dị như cơm ăn, nước uống và thở hít khí trời. Và cũng đơn giản như vậy, tính dân chủ thể hiện ở chỗ công chúng có quyền và được tạo điều kiện thực hiện quyền nói lên sự bất bình của mình để nhà cầm quyền biết mà tiếp thu và khắc phục nếu sự bất bình đó là chính đáng. Vậy là công bằng, dân chủ và văn minh được thể hiện một cách thật sống động: không ai vì có tiền hay có quyền mà có thể “chen ngang” hay lấn lướt quyền lợi của người khác.

Phải chăng từ câu chuyện nhỏ nói trên có thể gợi ra việc “nói và làm” mà yêu cầu xây dựng nếp sống văn minh đô thị đang đặt ra?

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm