Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Bốn câu hỏi lớn với đồ án quy hoạch thủ đô

Được tiếp cận khá sớm đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Ủy ban Kinh tế đã họp bàn và có văn bản báo cáo Quốc hội, trong đó nêu bốn vấn đề lớn về đồ án này.

Tách rời trung tâm hành chính khỏi trung tâm chính trị?

Đồ án có nêu chủ trương dành một khu vực lớn dưới chân núi Ba Vì làm quỹ đất phát triển trung tâm hành chính quốc gia mới. Về vấn đề này, nhiều thành viên ủy ban cho rằng việc quy hoạch một trung tâm hành chính, tập trung là cần thiết. Tuy nhiên, đặt trung tâm hành chính này ở đâu thì còn nhiều băn khoăn. Có ý kiến cho rằng đặt ở chân núi Ba Vì là không phù hợp cả về lịch sử, văn hóa, quốc phòng an ninh. Ý kiến khác đề nghị không tách hành chính với chính trị, vì với một quốc gia, chỉ có một trung tâm duy nhất về hành chính-chính trị quốc gia. Còn nếu Chính phủ quyết tâm tách làm hai trung tâm thì cần đưa ra các cơ sở khoa học để chắc chắn rằng trung tâm hành chính vẫn gắn kết được với trung tâm chính trị cho dù khoảng cách giữa hai khu vực này khá lớn - trên 60 km.

Trục Thăng Long có cần thiết?

Trục Thăng Long là điểm khá mới, xuất hiện vào khoảng tháng 3 và 4-2010 của quá trình xây dựng đồ án. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đồ án cần làm rõ hơn ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng trục giao thông này, nhất là khi chỉ cách 4 km tính về hai bên đã có đường cao tốc Láng-Hòa Lạc và quốc lộ 32 đang mở rộng.

Đồ án đã nêu một số nét định hướng phát triển giao thông Hà Nội mới với đủ loại hình đường sắt, đường bộ; có cả tổ chức giao thông vành đai kết hợp với giao thông hướng tâm, kết nối đô thị vệ tinh với trung tâm thành phố. Tuy nhiên, định hướng này vẫn chưa rõ là có phù hợp với dự án phát triển đường sắt cao tốc xuyên Việt mà Chính phủ đang trình Quốc hội hay không.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Bốn câu hỏi lớn với đồ án quy hoạch thủ đô ảnh 1

Bản đồ quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Động lực gì hình thành đô thị vệ tinh?

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng việc hình thành các đô thị vệ tinh liên kết hướng tâm với đô thị trung tâm mở rộng là phù hợp. Tuy nhiên, dự kiến của Chính phủ là dân số năm đô thị vệ tinh khoảng 1,3-1,4 triệu thì cần làm rõ động lực hình thành thị dân tập trung này. Việc quy hoạch các đô thị vệ tinh như vậy cần làm rõ các yếu tố về cơ cấu lao động, nhu cầu phát triển kinh tế ở mỗi khu vực. Mặt khác, mỗi đô thị vệ tinh cần được xác định là cấp hành chính lãnh thổ nào: thành phố trong thành phố, hay thị xã, thị trấn.

Nguy cơ nhóm lợi ích?

Vấn đề quan trọng hơn cả là nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho thủ đô mới. Đồ án dự kiến năm 2010-2050 sẽ phải tốn khoảng 90 tỉ USD, trong đó đến 2030 sẽ cần khoảng 60 tỉ USD. Ủy ban Kinh tế cho rằng đồ án cần tính toán kỹ hơn và cần đặt trong cân đối vốn đầu tư tổng thể của cả nước cho nhiều dự án, công trình khác như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc…

Vì tính chất đặc biệt của đồ án, vì Hà Nội là thủ đô của cả nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ nên cân nhắc tổ chức giới thiệu rộng rãi hơn, lấy ý kiến nhân dân các địa phương khác cho đồ án. Ngoài ra, cần có giải pháp tuyên truyền phù hợp để người dân nhận thức đúng, qua đó tránh xáo trộn tâm lý, ngăn ngừa lợi dụng, tạo đột biến giá đất. Đặc biệt, cần đề phòng tác động từ các nhóm lợi ích tới quá trình xây dựng đồ án.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm