Vụ sữa nhiễm melamine: Nông dân có quyền kiện Bộ Y tế?

Hôm qua (6-1), Bộ Y tế đã làm việc với báo chí quanh việc kiện tụng của người dân tỉnh Vĩnh Phúc trước khi có báo cáo chính thức lên Thủ tướng.

Phá sản vì kết quả công bố

Đơn kiện của nông dân nuôi bò sữa tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng việc Bộ Y tế công bố bảy loại sản phẩm sữa của Hanoimilk nhiễm melamine (sau đó chính Bộ lại “minh oan” cho 14 mẫu sữa của Hanoimilk) đã gây thiệt hại cho họ. Họ đòi Bộ Y tế phải bồi thường.

Theo đơn của ông Nguyễn Đức Cầu và bà Nguyễn Thị Quỳnh, sau phán quyết của Bộ Y tế, Hanoimilk không bán được hàng nên lượng sữa công ty thu mua chỉ bằng một nửa so với trước. Sản phẩm sữa không bán được khiến nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần.

Theo nông dân Nguyễn Như Tám, trước đây, điểm thu gom sữa của ông bán cho Hanoimilk khoảng bốn tấn mỗi ngày. Mỗi tháng, ngoài trả lãi ngân hàng, ông dư vài triệu đồng. Nhưng sau phán quyết của Bộ, công ty giảm giá mua 2.000 đồng/kg, lượng sữa bán được chỉ còn hơn một nửa.

Tổng Giám đốc Hanoimilk Trần Đăng Tuấn cho biết mặc dù Bộ Y tế đã công bố các sản phẩm của Hanoimilk an toàn nhưng đã muộn. Hiện ông còn ế lô hàng trị giá hơn năm tỷ đồng, tháng 3-2009 hết hạn nhưng vẫn chưa bán được cho ai. Ba tháng qua, doanh thu của Hanoimilk đã giảm hơn 50%, nhiều công nhân mất việc.

Bộ không “minh oan”!

Ngày 6-1, Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với báo chí về việc đăng tải một số thông tin không chính xác liên quan đến sản phẩm sữa nhiễm melamine. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định: “Từ trước đến nay, Bộ Y tế chưa bao giờ có những phát ngôn, thông điệp trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu sữa bò của bà con nông dân”.

Ông Quang cho biết trước ngày 11-12-2008, Bộ Y tế đã công bố các sản phẩm thực phẩm nhiễm melamine nói chung và của Công ty Hanoimilk nói riêng theo đúng quy trình, theo đúng các thông tin do cơ quan kiểm nghiệm và doanh nghiệp cung cấp. Theo ông, trước đó đại diện Bộ Y tế và Công ty Hanoimilk đã có buổi làm việc và đi đến thống nhất các bước xử lý ở giai đoạn trước là phù hợp.

Thứ trưởng Quang cũng cho rằng ngày 16-12-2008, Thanh tra Bộ Y tế đã lấy và cho xét nghiệm 20 mẫu sữa của Công ty Hanoimilk. Đây là các mẫu lấy từ các lô sản phẩm hoàn toàn khác đối với mẫu đã công bố nhiễm melamine trước đây. Như vậy, việc làm trên không phải Bộ Y tế đính chính hay minh oan kết quả xét nghiệm nhiễm melamine đã công bố trước đây như một số cơ quan thông tin đại chúng đã nêu...

Ông Quang nhấn mạnh: Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào, đặc biệt là trẻ em bị sỏi thận liên quan đến sử dụng thực phẩm nhiễm melamine.

Để góp phần giúp các hộ nông dân nuôi bò sữa giảm bớt khó khăn, Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết liên bộ đã có các chương trình quảng cáo nguồn sữa sản xuất trong nước, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thu mua sữa của bà con nông dân. Tại Công văn 6696/BYT ngày 27-9-2008, Bộ Y tế kêu gọi người tiêu dùng không tẩy chay sữa, đặc biệt cần chú trọng tuyên truyền để người tiêu dùng sử dụng sữa Việt Nam vì cho đến nay, các kết quả xét nghiệm sữa bò sản xuất trong nước đều không phát hiện melamine.

Kiện được?

Theo luật sư Trần Đình Triển - Văn phòng luật sư Vì Dân, việc khởi kiện của bà con nông dân tỉnh Vĩnh Phúc là có căn cứ, không cần có “nhân chứng, vật chứng” vẫn có thể được. Với Bộ Y tế, khi công bố một sản phẩm cần phải xem xét khía cạnh về chính trị, xã hội và ảnh hưởng của đa số người dân hay không.

Đồng thời phải nói rõ công bố sản phẩm có nhiễm melamine là sản phẩm nhập khẩu hay nội địa.

Theo luật sư Triển, đây là những yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Không thể kiện?

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp nhận định: Theo nguyên tắc bồi thường dân sự, muốn được bồi thường, người nuôi bò sữa phải chứng minh Bộ Y tế có hành vi vi phạm với bốn yếu tố: Hành vi đó trái pháp luật; có thiệt hại thực tế xảy ra; có quan hệ nhân-quả và có lỗi. Tất cả đều phải được thể hiện bằng những con số cụ thể, văn bản rõ ràng. Theo tôi, về mặt pháp lý vụ kiện này rất yếu.

Đến tháng 5-2009, Luật Bồi thường nhà nước sẽ được thông qua. Song ngay cả khi đó áp dụng vào vụ kiện này cũng không được. Bởi vì việc chứng minh bốn yếu tố nêu trên là rất khó, thậm chí không thể.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm