Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp rút ngắn nhưng chất lượng, hiệu quả

Chủ tịch Quốc hội cho hay kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, nhưng vẫn phức tạp và khó lường. Kỳ họp được tổ chức thành hai đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.
“Đây là một kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội (QH) những khóa gần đây nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định” - Ông nhấn mạnh.
Nhiều đổi mới về cách tổ chức 
Theo Chủ tịch Quốc hội kỳ họp đã áp dụng một số đổi mới về cách tổ chức và đạt kết quả tốt, minh chứng cho “sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của QH”. Cụ thể như: thực hiện chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các địa phương; thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp nhanh và đầy đủ kết quả thảo luận tổ; đồng ý cho Đoàn ĐBQH TP.HCM được họp theo hình thức trực tuyến để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19…

Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp rút ngắn nhưng chất lượng, hiệu quả ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: TP

Tại kỳ họp, các ĐBQH với tinh thần trách nhiệm, đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, xây dựng vào các nội dung của chương trình Kỳ họp. Đã có 2.927 lượt đại ĐBQH phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt thảo luận tại 16 phiên họp tại hội trường.

“Có thể nói, thành công của kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một QH “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân. Đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Quyết sách chống dịch và phục hồi kinh tế
Chủ tịch Quốc hội cho biết ngoài xem xét, quyết sách các nội dung quan trọng thường kỳ, kỳ họp đã thảo luận, quyết định về hai vấn đề chính là công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh, tế xã hội trong bối cảnh cơ bản kiểm soát được đại dịch.
Về phòng chống dịch COVID-19, QH nhận định dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường vì vậy “tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không được để dịch bùng phát trở lại”. Theo đó, QH giao Chính phủ, trên cơ sở tổng kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và những bài học đắt giá đúc kết được, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch.
Trong đó có kế hoạch phân bổ, sử dụng vaccine, nhất là việc tiêm vaccine cho trẻ em. Xây dựng các phương án, kịch bản để chủ động phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng bị động, lúng túng như trước. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch. Đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công – tư trong công tác phòng, chống dịch. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế với “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” để đảm bảo năng lực ứng phó với dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp rút ngắn nhưng chất lượng, hiệu quả ảnh 2
Quốc hội làm lễ chào cờ tại phiên bế mạc kỳ họp 2 - Quốc hội khoá XV. Ảnh: TP

Về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát, nhiều chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế được ban hành và thực hiện kịp thời, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10-2021 đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sức cầu nền kinh tế còn yếu; thu - chi ngân sách vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là ngân sách trung ương. Phân bổ, giải ngân đầu tư công vẫn là điểm yếu, hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn… Triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức; nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.

Theo đó, QH đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay.
Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về công tác lập pháp, kỳ họp đã xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua 2 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, (11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp).
Trong đó, QH đã thông qua các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế và TP Hải Phòng để tạo động lực phát triển cho các tỉnh và khu vực xung quanh. Kết quả thực hiện cơ chế thí điểm này sẽ được đúc rút, hoàn thiện để có thể nhân rộng và áp dụng trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, QH đã thực hiện quyền giám sát thông qua nghe báo cáo thường kỳ. Đặc biệt, lần đầu tiên, QH đã xem xét thảo luận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.
QH đã dành 2,5 ngày để chất vấn đối với bốn vị Bộ trưởng, có sự tham gia trả lời của Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác. Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH. Đã có 170 lượt ĐBQH phát biểu (trong đó, 134 lượt chất vấn, 12 lượt đặt câu hỏi đối với Thủ tướng, 24 lượt tranh luận). Nội dung chất vấn “trúng và đúng” với mong muốn của cử tri.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm