Công viên xanh tự quản

Mô hình “Công viên tự quản” tại phường An Lạc nhận được khen thưởng tập thể từ UBND quận Bình Tân (TPHCM), được xem là một điển hình của quận cần nhân rộng.

Công viên xanh tự quản ảnh 2

Người dân chơi cầu lông trong công viên Khu phố 2, phường An Lạc.

Tự nguyện tưới nước, trồng hoa

An Lạc là phường vùng ven có tiến độ đô thị hoá nhanh. Vào năm 2012, nơi đây được quận giao cho ba công viên tiếp quản từ các dự án dân cư trên địa bàn để thí điểm theo mô hình xã hội hoá. “Lúc đó, công viên đã xuống cấp, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, ken dày cả mặt đường. UBND phường thống nhất với các ban điều hành từng khu phố vận động người dân cùng nhau tôn tạo, trồng cây xanh để có nơi sinh hoạt vui chơi, thể dục thể thao và cùng nhau tự quản”, chị Võ Ngọc Tuyết Nga, Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết.

Chị Võ Ngọc Tuyết Nga, Chủ tịch UBND phường An Lạc (đứng giữa), trò chuyện với người dân tại công viên Khu phố 2.

Hơn hai năm qua, người dân đã góp công góp sức tạo nên nhiều chuyển biến trong môi trường văn hóa của địa phương. Trong đó, công viên Khu phố 2 khang trang, đẹp đẽ nhất, nơi đây có sân cầu lông thu hút người dân tụ họp mỗi sáng sớm và chiều tối, đông nhất vào hai ngày cuối tuần.

 Bà con KP2 dạo chơi, cho con ăn ở công viên vào mỗi buổi chiều

Ý tưởng về công viên tự quản Khu phố 2 do ông Bảy Phát (Huỳnh Tấn Phát), bí thư chi bộ của khu phố, khởi xướng.  “Chú Bảy vừa qua đời trong năm 2013. Tôi chỉ là người kế thừa và phát triển thêm”, chị Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Khu phố 2, kể lại. “Bà con hưởng ứng vì ai cũng nhận thấy cần có một môi trường thoáng mát, nhiều cây xanh, cần có một sân chơi lành mạnh và an toàn, nhất là trẻ em vì nếu để bọn trẻ chạy nhảy ngoài đường rất nguy hiểm. Bà con tự nguyện đóng góp, người góp tiền, kẻ góp công như phát quang cây cỏ, trồng hoa, trồng cây xanh”.

Công viên ở Khu phố 3 (trước đây thuộc dự án tái định cư của công trình Đại lộ Đông- Tây) có diện tích rộng khoảng 3.000m2, nhưng không lắp đặt hệ thống nước tưới tại chỗ.  Chị Huỳnh Thị Thu Thủy, Trưởng Khu phố 3, nói: “Chúng tôi phải luân phiên kéo ống dẫn nước từ nhà ra công viên để tưới. Gặp lúc nước yếu không kéo dược thì cực hơn, bà con phải dùng xe máy chở thùng nước hai bên xe đến tưới”.

Anh Khanh, chồng chị  Huỳnh Thị Thu Thủy, Trưởng Khu phố 3, tưới cây mỗi buổi chiều

Công viên được chỉnh trang tươm tất, thế nhưng… không có điện chiếu sáng. Bà con đề nghị bên ngành điện lực gắn đồng hồ điện, và cùng nhau gom góp tiền bạc để mua sắm trang thiết bị chiếu sáng và trả tiền điện hàng tháng.

 “UBND phường An Lạc còn vận động người dân trồng hoa ven đường, làm đẹp môi trường. Chúng tôi tổ chức giải thi đấu liên khu phố, bao gồm các bộ môn cầu lông, đá banh, cờ tướng,bóng bàn, thi hát karaoke…” - chị Tuyết Nga, chủ tịch phường, cho biết thêm.  

Tính đến nay, người dân phường An Lạc đang tự quản ba công viên lớn nhỏ và hai tiểu đảo.

Thân thiện với mọi người

Người dân ở phường An Lạc trồng các loại hoa tím dọc theo nhiều con hẻm, nở rất đẹp. Những tiểu đảo cây xanh giúp cho các khu dân cư có được những khoảng xanh thoáng mát. Mỗi sáng mỗi chiều, người dân kéo ra các công viên khu phố thưởng ngoạn những cánh hoa khoe sắc. Bà Tuyết (56 tuổi), trong lúc đẩy xe chở cháu bé và cho ăn cháo, đã buột miệng cười nói: “Tôi từ ngoài Bắc vào trông cháu cho con đi làm. Tôi rất vui vì ở Khu phố 2 có một khoảng không gian xanh, trong khi giá đất tiền tỷ mà ủy ban phường vẫn dành làm công viên để cho mọi người được hít thở không khí trong lành. Không như ở ngoài Bắc chỉ có những công viên lớn ở trung tâm thành phố, lắm khi khi chúng tôi muốn thả bộ cũng ngại vì xa xôi”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, thuộc đội bảo vệ ở Khu phố 3, cho biết: “Tôi và bạn bè ưa ra công viên chơi cờ tướng và đi bộ rèn luyện sức khỏe, nhờ vậy làm việc cũng hăng say hơn”. Anh Dũng nhận được giấy khen từ UBND quận Bình Tân không chỉ vì sự nghiêm túc trong giữ gìn an ninh mà còn do anh tích cực chăm sóc cây cảnh trong công viên.

Anh Nguyễn Văn Dũng, bảo vệ công viên Khu phố 3, một thành viên tích cực được UBND quận Bình Tân tuyên dương.

Em Trần Thị Khánh Ly, học sinh lớp 5 trường Tiểu học An Lạc 1, hớn hở kể lại: “Mỗi chiều đi học về, cháu cùng nhóm bạn ra đây đạp xe, đá cầu rất vui. Chúng cháu ưa đi dạo trong công viên vì có nhiều hoa, cây cảnh rất đẹp, và cùng nhau học bài, làm bài”.

 Các em học sinh sau giờ tan học đến đạo chơi công viên KP3

Anh Sơn, làm nghề bán Tây dược, nói thêm: “Cứ vào 5 giờ chiều mỗi ngày, tôi đều rủ con ra công viên Khu phố 2 để đánh cầu lông. Chạy tới chạy lui, người khỏe hẳn ra, bụng tôi đã nhỏ lại. Con tôi trở nên khỏe khoắn, do vậy việc học hành của cháu cũng tiến bộ hơn”.

Thật thú vị trước hình ảnh người dân tản bộ quanh công viên tập thể dục, nam thanh nữ tú chơi cầu lông, đá cầu, những cụ già chơi cờ tường, trong khi trẻ em chạy nhảy nô đùa, đem theo sách vở để cùng nhau học bài… Hòa mình vào thiên nhiên, dường như giúp cho mọi người dễ gần gũi hơn, sống chan hòa trong “tình hẻm nghĩa phố”.  

 

Hình hài mới cho các con hẻm

Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong hai năm (2012-2013) phường An Lạc triển khai xây dựng hơn 20 tuyến hẻm, với tổng kinh phí gần 6,7 tỷ dồng.  Trong đó tuyến đường Bùi Tư Toàn và 7 tuyến hẻm được người dân đầu tư 100%  và hiến đất. Trong năm 2014, UBND phường đề ra chỉ tiêu vận động nhân dân và liên kết doanh nghiệp làm thêm 10 tuyến hẻm nữa.

Những con hẻm trước đây lầy lội, mưa đọng, ứ nước, ngập rác hôi thối, nay đều “lột xác” với hình hài mới bằng con đường tráng nhựa hoặc lát đan bê tông.

Nguyễn Dũng – Thoại Khanh 

(Nguyệt san, Pháp luật TP.HCM, tháng 4-2014)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm