Sáng 19-10, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV.
Còn nhiều bất cập trong phòng chống dịch COVID-19
Ông Chiến cho hay trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021, căn cứ pháp lý để Chính phủ điều hành, chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống dịch. Chính phủ, các địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chóng dịch hiệu quả.
“Đặc biệt trong một thời gian ngắn, bằng nhiều cách Việt Nam đã huy động một lượng lớn vaccine để tiêm miễn phí cho nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch” - ông Chiến nói.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Bện cạnh đó, cử tri cho rằng công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, thiếu đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất. Còn hạn chế trong phân tích tình hình để triển khai có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Một số văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống y tế cơ sở và năng lực quản lý của các cấp bộc lộ nhiều điểm yếu. Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine,... đều phải nhập khẩu nên chưa kịp thời, bị động, chi phí cao.
Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ TP.HCM và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Công tác truyền thông có thời điểm còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Lo lắng giai đoạn hậu COVID-19
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho hay cử tri đồng tình với các chính sách ổn định kinh tế, xã hội mà các cấp các ngành đang triển khai. Tuy nhiên cử tri cũng bày tỏ lo lắng bởi nhiều chỉ số kinh tế không đạt kế hoạch đặt ra, giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội…
“Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có các chính sách hỗ trợ về thuế, giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất” - ông Chiến nói.
Cử tri đồng tình với các chính sách an sinh xã hội trong và sau đại dịch mà các cấp đã triển khai. Tuy nhiên cử tri phản ánh vẫn còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội, thủ tục hỗ trợ còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm.
Việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất. Nhiều nơi nông dân gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng chưa được hỗ trợ. Vẫn còn tình trạng trục lợi trong thực hiện an sinh xã hội, gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
Bên cạnh đó, cử tri cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội.
“Cử tri lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học. Việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh” - ông Chiến nói.
Cử tri cũng rất bức xúc trước các thông tin xấu độc, sai sự thật. Tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả, chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... gia tăng, diễn biến phức tạp.