Đối thoại biển: Tìm điểm chung và xây dựng lòng tin

Đối thoại biển lần thứ năm với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề biển Đông” đã diễn ra tại Hà Nội ngày 18-6. Sự kiện có sự phối hợp giữa Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông… với sự tham gia của nhiều diễn giả chính đến từ các cơ quan nghiên cứu của Malaysia, Philippines, Singapore và Mỹ.

Tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình

Trong lời khai mạc, ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Hà Nội, đánh giá các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về tranh chấp tại biển Đông và vai trò của ASEAN còn tương đối hạn chế trước những vụ việc xảy ra trên biển Đông.

Ông Peter Girke cũng cho rằng chuỗi đối thoại biển là diễn đàn nhằm bàn luận về chiến lược tiến hành từng bước đi nhỏ trong hợp tác khu vực, ưu tiên tìm điểm chung và xây dựng lòng tin. “Tôi tin rằng nếu cách tiếp cận này đạt được tiến bộ, các nước trong khu vực sẽ dễ dàng hơn trong giải quyết các thách thức và xung đột dài hạn” - ông Peter Girke nói.

Diễn giả Hoàng Thị Hà (thuộc Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak, Singapore) thì khẳng định ASEAN là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia với nhau. “ASEAN có một mục tiêu chính là đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải ở biển Đông. Đây là nguyên tắc chính định hướng cho tuyên bố của ASEAN về vấn đề biển Đông, bất chấp sự khác biệt giữa các nước thành viên trong vấn đề này” - bà Hà nói.

Theo bà, về cơ bản, quan điểm của ASEAN là đảm bảo những tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Khi có mối đe dọa về hòa bình, an ninh trong khu vực thì ASEAN sẽ thay mặt các nước thành viên đưa ra lập trường thể hiện sự quan ngại.

Ngoài những ý kiến trên, các chuyên gia đã tập trung đánh giá vai trò của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực, xem xét thực trạng hợp tác biển trong khuôn khổ các cơ chế do ASEAN dẫn dắt thời gian qua. Đồng thời, nghiên cứu các đề xuất để nâng cao tính hiệu quả trong tham gia của ASEAN ở biển Đông trong thời gian tới.

Các diễn giả phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: V.THỊNH

Giá trị thiết thực của đối thoại biển

Được biết phát biểu trước khi diễn ra đối thoại này, TS Lê Hải Bình, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam vừa được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020 thì đối thoại với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề biển Đông” có giá trị thiết thực. Bởi điều này góp phần tìm kiếm và đề xuất các ý tưởng mới cho các cơ quan hoạch định chính sách, đồng thời tăng cường nhận thức chung của cộng đồng về các hoạt động đối ngoại thời gian tới.

Còn Phó đại sứ Úc, bà Rebbeca Bryant, bày tỏ sự hài lòng của đại sứ quán khi đồng tổ chức và tài trợ cho đối thoại biển với nội dung hợp tác ASEAN tại biển Đông. “Úc cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ASEAN trong duy trì an ninh và ổn định trong 50 năm qua” - bà Rebbeca Bryant nói.

15 tỉnh, TP dự hội thi tuyên truyền biển, đảo

Hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến hết 21-6 tại TP Cần Thơ với sự tham gia của 13 tỉnh, TP khu vực ĐBSCL, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đối thoại biển: Tìm điểm chung và xây dựng lòng tin ảnh 2
Bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT, Trưởng ban giám khảo, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: CẨM GIANG

Tại cuộc họp báo ngày 18-6, ban tổ chức cho hay sự kiện do Bộ TT&TT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức này sẽ gồm bốn phần thi: Thi các đội tuyên truyền lưu động, thi triển lãm ảnh, thi xe tuyên truyền cổ động và thi phát thanh viên cơ sở. Thông qua các phần thi, ban tổ chức hướng tới việc tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; phát triển và khai thác nguồn tài nguyên biển một cách bền vững.

“Đồng thời, đây cũng là dịp để tuyên truyền và trưng bày những chứng cứ lịch sử và văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” - ban tổ chức hội thi nhấn mạnh.

CẨM GIANG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm