Dùng giấy đi đường giả, giả cả trung tá quân đội để ‘thông chốt’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-9, Công an TP.HCM cho biết, trong gian qua, trong khi cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, TP.HCM cũng triển khai nhiều biện pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ, đặc biệt là siết chặt việc giãn cách xã hội.

Giả giấy đi đường để “thông chốt”

Tuy nhiên, một số người dân vẫn ngang nhiên sử dụng Giấy tờ giả của các lực lượng Công an, Quân đội, nhân viên y tế để đi qua các chốt kiểm dịch.

Theo đó, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 2-9, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 (Trạm thu phí Long Phước, TP Thủ Đức), Tổ công tác dừng xe ô tô mang biển kiểm soát 51H-966.44 để kiểm tra Giấy đi đường.

Công an làm việc với ông Bảy để điều tra, làm rõ. Ảnh CA

Lúc này lái xe Nguyễn Thanh Hải (28 tuổi, ngụ quận 10) và người đi cùng là Nguyễn Đức Linh (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) xuất trình hai giấy đi đường loại mẫu giấy do cơ quan Công an cấp có hình Quốc Huy bên trái và chữ ký của Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, có mộc tròn màu đỏ của Công an TP Thủ Đức.

Qua kiểm tra, công an phát hiện trong giấy ghi thông tin cá nhân của Hải và Linh, nội dung cấp giấy là tình nguyện viên hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong phạm vi TP. Thủ Đức, giấy có giá trị từ ngày 23-8 đến ngày 15-9.

Tổ công tác nghi vấn hai Giấy đi đường trên là giả nên yêu cầu Hải và Linh đến trụ sở Công an phường Long Phước để làm rõ.

Cả hai khai nhận, qua người quen là Võ Phúc Bình được cấp Giấy đi đường nhưng viết sai thông tin nên nhờ Linh sửa lại.

Giấy tờ ông Bảy xuất trình là giả. Ảnh CA

Bằng thủ thuật cắt ghép mẫu Giấy đi đường của anh Bình, sau đó Linh dùng máy photo màu in ra ba tờ Giấy đi đường. Việc làm giả Giấy đi đường có sự chứng kiến của Bình.

Sau đó, Hải, Linh, Bình mỗi người dùng một Giấy đi đường giả để đi đường trong thời gian giãn cách xã hội tại Thành phố.

Tiếp đó, 16 giờ 30 ngày 3-9, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 (đường số 4, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức), Tổ công tác phát hiện Trần Văn Sơn và Trần Xuân Thịnh sử dụng Giấy đi đường giả nên đưa về Công an phường Hiệp Bình Phước làm rõ.

Tại cơ quan Công an, cả hai khai nhận do có nhu cầu cần giao hàng nên vợ Sơn đã nhờ Danh (không rõ lai lịch) làm hai Giấy đi đường để đi giao hàng.

Sơn và Thịnh đều không biết đó là Giấy đi đường giả.

Giả cả trung tá quân đội

Tiếp đó, 9 giờ 15 phút ngày 5-9, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 (Trạm thu phí Long Phước, TP Thủ Đức), Tổ công tác đang thực hiện nhiệm vụ thì phát hiện xe ô tô mang biển số 51H-525.48 lưu thông từ hướng Thành phố đi Đồng Nai vi phạm vượt quá tốc độ cho phép nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện.

Hiện giấy tờ này đang bị công an làm rõ. Ảnh CA

Lúc này, tài xế Nguyễn Văn Bảy tự xưng là cán bộ Phòng Tham mưu sư đoàn 367 và xuất trình nhiều loại giấy tờ liên quan như Giấy ra vào sân bay Tân Sơn Nhất có dán hình của Nguyễn Văn Bảy mặc quân phục bộ đội, mang quân hàm Trung tá, 01 Giấy chỉ huy trưởng ủy nhiệm Tổ trưởng kiểm soát quân sự của Sư đoàn 367…

Tuy nhiên, Tổ công tác nhận thấy có nhiều điểm nghi các giấy tờ trên là giả nên yêu cầu Nguyễn Văn Bảy đến trụ sở Công an phường Long Phước để xác minh, làm rõ. Tại cơ quan Công an, lái xe Nguyễn Văn Bảy thừa nhận bản thân không phải là người phục vụ trong Quân đội.

Trước đó, Công an quận 10 cũng phát hiện, xử lý nhóm người làm và sử dụng giấy đi đường giả. Ảnh CA

Các giấy tờ giả trên là do Bảy nhờ người khác làm với mục đích để ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện Công an TP Thủ Đức điều tra làm rõ vụ việc trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng năm người trên xe ô tô xuất trình Giấy đi tiêm vắc xin COVID-19 ở Bệnh viện Quân dân miền Đông tại TP Thủ Đức.

Các vụ việc hiện đang được công an TP Thủ Đức điều tra làm rõ.

Theo Công an TP.HCM, hiện nay, dịch COVID-19 dù vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng còn nhiều, thế nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp người dân cố tình tìm mọi cách ra đường dù không thuộc đối tượng được ra đường hoặc sử dụng Giấy tờ giả để được ra đường nhằm mục đích phục vụ nhu cầu cá nhân.

Những hành vi thiếu ý thức trách nhiệm ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống COVID-19 của toàn xã hội, cấp ủy chính quyền các cấp, của ngành y tế.

Trong bối cảnh virus còn nhiều khả năng biến hóa, chưa có thuốc đặc trị thì sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch xuất phát từ sự thiếu ý thức của một vài cá nhân cũng có thể dẫn đến cái giá rất đắt, phải trả giá bằng cả sinh mạng và sức khỏe con người, chưa kể đến những thiệt hại nặng nề về kinh tế- xã hội. Điều này cũng tiếp tay cho những đối tượng  làm giả các loại giấy tờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm