+ Ông Võ Văn Hưng: Trong chiến lược phát triển của Quảng Trị 5 năm, 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045, chúng tôi xác định việc lớn nhất là làm thế nào để phát triển kinh tế-xã hội, khai thác, quản lý tài nguyên theo hướng có lợi, hiệu quả nhất nhưng phải có sự bền vững.
Trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Quảng Trị tỉnh lần thứ XVII, chương trình hành động hay các kế hoạch… luôn nhấn mạnh đến việc ưu tiên xây dựng chiến lược và quy hoạch đến năm 2050 có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế để phát triển bền vững.
Chúng tôi đã mời gọi các đơn vị tư vấn quốc tế, trong đó có đơn vị đến từ Singapore để lập một quy hoạch chiến lược. Quy hoạch này không chỉ mang theo khát vọng của Đảng bộ, chính quyền mà còn tương quan trong phát triển chung của đất nước và khu vực. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ chọn được một lối đi khác biệt và phát huy tốt nhất lợi thế của mình, để tạo sức bật mới cho tỉnh nhà phát triển.
. Vậy Quảng Trị sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào, thưa ông?
+ Quảng Trị xác định phát triển ngành công nghiệp với lợi thế và tiềm năng hiện có của mình, biến những cái bất lợi thành lợi thế bứt phá, trong đó có mục tiêu xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Dự kiến đến năm 2030, Quảng Trị có khoảng 8.000-10.000MW và nhiều hơn nữa. Việc này hoàn toàn có cơ sở và chúng tôi tin sẽ thực hiện được.
Cụ thể, Khu kinh tế Đông Nam sẽ hình thành trung tâm năng lượng về khí, cũng như các nhà máy tổ hợp. Vừa qua Chính phủ đã đồng ý để Quảng Trị có một nhà máy điện khí 1.500MW trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và sau 2025 nâng lên thêm 4.500MW nữa.
Quảng Trị đã có những cuộc gặp gỡ với Tập đoàn Năng lượng Eni (Italia) - một trong những đơn vị thăm dò lô dầu khí. Theo đó công ty này đã thu thập được khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại mỏ khí Kèn Bầu. Bước đầu có cơ sở để nói rằng đây là một trong những mỏ khí lớn nhất từ trước đến nay.
Tỉnh đã sẵn sàng quy hoạch và chuẩn bị về quỹ đất để tiếp bờ các mỏ khí tự nhiên và từ mỏ khí Báo Vàng 113. Chính phủ cũng đã cho Công ty Gazprom thăm dò khai thác cũng dẫn khí với công suất của nhà máy là 340MW/năm.
Còn về phía Tây, trước đây có thể nói gió Lào là bất lợi nhưng bây giờ gió Lào đã trở thành “đặc sản”, thành lợi thế của Quảng Trị. Chúng tôi sẽ tạo thành những cánh đồng điện gió và trong quy hoạch có công suất từ 3.000MW – 4.500MW/năm.
. Vậy có bao nhiêu dự án điện gió tại khu vực này, thưa ông?
+ Hiện nay có 31 dự án được cấp chủ trương đầu tư và hai dự án đã đưa vào hoạt động từ năm 2019. Từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để hỗ trợ các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, quý II và quý III năm nay sẽ có khoảng 600-650MW hòa lưới. Như vậy, cùng với các dự án đã có, Quảng Trị sẽ có khoảng 1.000MW điện năng trong năm 2021.
Tính trong năm 2021 sẽ có khoảng 1,5-2 tỉ USD được đầu tư cho vùng phía Tây Quảng Trị. Vùng này được tập đoàn điện lực và các chuyên gia đánh giá là khu vực có lợi thế để xây dựng các tổ hợp nhà máy điện gió. Theo các chuyên gia, nguyên nhân thứ nhất là chế độ gió lý tưởng và thứ hai là tính ổn định rất cao.
. Quảng Trị vừa được Chính phủ đồng ý xây dựng sân bay, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng sân bay này quá gần với sân bay ở Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế, sẽ khó để phát triển và tốn kém. Vậy ông nghĩ gì về điều này?
+ Những quyết sách của Chính phủ bao giờ cũng ở tầm nhìn vĩ mô và chiến lược. Sân bay Quảng Trị có thể nói là có sự khác biệt và không đơn giản chỉ để vận chuyển khách đến và đi tại địa phương. Bên cạnh việc vận chuyển hành khách, sân bay còn có chức năng vận chuyển hàng hóa, cung cấp các dịch vụ hàng không (bến đỗ, sửa chữa,...) của các hãng máy bay, các vấn đề liên quan đến an ninh - quốc phòng… Đặc biệt, khi Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng thì linh kiện hàng hóa, kể cả hành khách, chuyên gia cũng sẽ đến với địa phương ngày càng nhiều hơn.
Ngoài ra, tỉnh còn có thể trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không, vì về mặt địa lý Quảng Trị nằm ngay giao điểm miền Trung của Việt Nam. Đây là điểm quan trọng và thuận lợi trên Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối với các tỉnh thuộc các nước Lào, Thái Lan, Myanmar…
Với lợi thế về quỹ đất, tỉnh dự kiến xây dựng sân bay có quy mô khoảng 1.000 ha. Với quy mô này sẽ tạo ra nhiều khác biệt, đặc biệt là trong vận chuyển hàng hóa và các dịch vụ sân bay. Trong thực tế những nhà đầu tư tầm cỡ đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của Quảng Trị và tham gia, họ là những nhà đầu tư có tên tuổi, có uy tín.
. Có ý kiến cho rằng Quảng Trị cần có đường tránh TP Đông Hà để giảm tai nạn giao thông, ông nghĩ gì về điều này?
+ Đây cũng là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Bởi lẽ làm đường tránh thành phố là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT nhưng với trách nhiệm của UBND tỉnh, chúng tôi đã có đề án đề xuất và vừa qua đã được Bộ đưa vào giai đoạn đầu tư trung hạn năm 2021-2025. Theo tôi việc sớm xây dựng và hoàn thành đường tránh sẽ giúp giải tỏa những bức xúc, tránh những tai nạn không đáng có.
Theo dự kiến, đường tránh xây dựng về phía Đông nhưng theo tôi thấy đây chỉ là bước giải quyết bước đầu bởi với tốc độ phát triển như hiện nay thì tới đây đường này cũng nằm trong khu đô thị.
Chúng tôi đang nghiên cứu tuyến đường về phía Tây Quảng Trị kết nối với đường cao tốc Hồ Chí Minh để có thể giải quyết vấn đề chiến lược lâu dài. Đồng thời, tỉnh sẽ tính toán để tuyến đường đó không những tránh qua TP Đông Hà mà còn tránh qua các đô thị khác như thị xã Quảng Trị, huyện Gio Linh, Vĩnh Linh.
. Vậy còn việc phát triển nông nghiệp tại tỉnh nhà sẽ được định hướng như thế nào, thưa ông?
+ Với 70% dân số là nông dân thì nông nghiệp được xem là bệ đỡ của Quảng Trị. Trong nhiệm kỳ vừa qua tỉnh đã phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và có nhiều sản phẩm mang tính chủ lực. Qua đánh giá của nhiều chuyên gia thì Quảng Trị có diện tích không lớn nhưng đã khai thác được tính đa dạng của cây trồng.
Trong sản xuất nông nghiệp thì điều kiện thổ nhưỡng rất quan trọng, góp phần tạo nên sự tinh túy của sản phẩm. Tôi có thể tự tin nói rằng, chính điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm nên những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, khác biệt của Quảng Trị mà không nơi nào có được. Ví dụ, Khe Sanh được các chuyên gia nhận định là một trong những vùng đất trồng cà phê ngon nhất thế giới.
Vừa qua chúng tôi đã tăng cường chuyển hướng sang sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, gạo sạch Triệu Phong. Trước đây có thể người nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ nhưng giờ đây họ bắt đầu thay đổi ý thức để trở thành những nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, Quảng Trị đang hình thành các trung tâm về dược liệu, trồng các loại như cà gai leo, chè vằng hay cây an xoa… và vừa rồi một số loại đã xuất khẩu trực tiếp qua Mỹ. Do đó tỉnh định hướng xây dựng huyện Cam Lộ thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh. Cùng với đó là cây công nghiệp như hồ tiêu cũng được chú trọng phát triển…
. Nông sản Quảng Trị có nhiều đặc trưng như vậy nhưng có thể chưa phát triển xứng tầm, vậy thời gian tới UBND tỉnh có những kế hoạch gì?
+ Khoảng trong quý III-2021, UBND tỉnh sẽ có hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh để giới thiệu nông sản Quảng Trị. Vào tháng 6 và 7, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP.HCM, chúng tôi sẽ có nhiều chương trình, hội nghị để đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến.
Để đưa các sản phẩm nông nghiệp tốt nhất của Quảng Trị đến với người tiêu dùng, UBND tỉnh sẽ chủ động kết nối và làm trung gian tìm kiếm thị trường, đưa hàng hóa của người dân tỉnh nhà tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước.
. Quảng Trị là “vùng trũng” về du lịch, dịch vụ, ông nghĩ sao về nhận định này?
+ Tôi nghĩ đối với một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch như Quảng Trị thì khái niệm “vùng trũng” là không chính xác. Có thể thời gian qua, công tác quảng bá, truyền thông chưa được tương xứng nên các tài nguyên chưa được khai thác xứng tầm.
Chỉ tính riêng về di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, tỉnh có hơn 500 di tích, trong đó có bốn di tích quốc gia đặc biệt, như: Địa đạo Vịnh Mốc; Thành cổ Quảng Trị và 81 ngày đêm; Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Khe Sanh - Điện Biên Phủ thời đánh Mỹ, địa danh mà NiXơn - Tổng thống Mỹ đã từng thốt lên rằng “đem cả danh dự nước Mỹ để đổi lấy Khe Sanh”.
“Một ngày ăn cơm ba nước” cũng là sản phẩm đặc trưng của Quảng Trị vì có cửa ngõ du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây với con đường quốc lộ số 9 để đến Thái Lan gần nhất.
Có tour “Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” - nơi là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bởi có nhiều đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu và những người đã từng chiến đấu họ đều muốn trở lại chiến trường xưa để hoài niệm (ký ức chiến tranh), không chỉ họ mà họ muốn đưa con cháu họ đến để giáo dục yêu hòa bình (khát vọng hòa bình).
Quảng Trị là nơi có nhiều người hy sinh nhất, dù có tên hay chưa biết tên, dù tìm được hay chưa tìm được, dù đã được đưa về quê nhà hay đang yên nghỉ tại các nghĩa trang nhưng họ (các cựu binh) tin rằng linh hồn của liệt sĩ đang ở nơi đất này…
Chúng tôi còn có bờ biển với dải cát dài, hoang sơ, trong lành nằm trên trục Hành lang kinh tế Đông-Tây, cách Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan không xa. Có đảo Cồn Cỏ nằm không quá xa với bờ kết nối với Cửa Tùng, Cửa Việt, tạo thành tam giác du lịch hấp dẫn và còn có sản phẩm du lịch con đường di sản.
Quảng Trị đang tập trung các dự án “mở toang cánh cửa” TP Đông Hà để kết nối nhanh về biển. Bây giờ đã đến lúc đánh thức “nàng công chúa” còn ngủ mê trong rừng. Chúng tôi luôn mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào nghiên cứu để cùng với tỉnh khai thác, phát triển du lịch.
. Như ông nói thì Quảng Trị đã hội tụ đủ các yếu tố để phát triển. Vậy ông mong muốn gì ở những nhà đầu tư và những cơ chế chính sách gì từ trung ương để hỗ trợ tỉnh?
+ Trên nền tảng đã có của các thế hệ đi trước và điều kiện tự nhiên, cũng như sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và nhân dân thì Quảng Trị sẽ phát triển theo hướng tốt nhất. Và trên tất cả lĩnh vực đều cần có nhà đầu tư để cùng với Quảng Trị phát triển. Có thể nói rằng, đang có nhiều cơ hội từ năng lượng tái tạo đến hệ thống giao thông đường không, đường biển, cảng biển cho các nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh.
Tỉnh đã cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với tỉnh. Khi các nhà đầu tư vào Quảng Trị thì có các đơn vị như Trung tâm xúc tiến đầu tư, Sở KH&ĐT… hỗ trợ từ đầu vào cho đến các giấy tờ pháp lý.
Chính điều này đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả được thể hiện rất rõ qua các chỉ số PAPI và PCI năm 2020 công bố vào giữa tháng 4-2021. Lần đầu tiên chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Quảng Trị đạt 44,78 điểm, đứng thứ 6/63 tỉnh/thành, tăng 28 bậc so với năm 2019 và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 63,07 điểm, thuộc nhóm khá, tăng 8 bậc so với năm trước.
. Ông có thể nói cụ thể hơn về công tác cải cách thủ tục hành chính mà tỉnh đang thực hiện?
+ Chúng tôi đang tạo ra những kênh thông tin để nhà đầu tư hiểu hơn về Quảng Trị, hiểu về những lợi thế và phù hợp với lĩnh vực nhà đầu tư mong muốn để phát triển. Còn về cải cách hành chính thì việc giải phóng mặt bằng, giao đất cũng là một lĩnh vực để Quảng Trị quyết tâm sớm nhất. Có những dự án chỉ trong một tuần chúng tôi đã cấp xong chủ trương đầu tư và giải phóng mặt bằng.
Chúng tôi luôn đồng hành và cùng chia sẻ với những trăn trở, vướng mắc của nhà đầu tư. Khi nhận thấy việc phát triển về năng lượng gió có vướng mắc, ngày 12-3, UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng ở Quảng Trị. Sau hội nghị, chúng tôi lập tức hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư để vừa nhập nhanh các vật liệu siêu trường, siêu trọng, vừa hỗ trợ vận chuyển, tạo điều kiện để sớm hoàn thành dự án. Đây cũng là minh chứng cho thấy Quảng Trị đã có những thay đổi hết sức lớn.
Rất đáng mừng là ngay những tháng đầu năm 2021, tỉnh đã có những sự thay đổi, đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, từ công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Điều này tạo ra một niềm tin là Quảng Trị sẽ cất cánh và Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Quảng Trị sẽ hiện thực hóa được “Giấc mơ Quảng Trị”.
Trong giấc mơ mang tên Quảng Trị, có rất nhiều khát vọng vươn lên mà một trong những mục tiêu hướng tới là sự cân đối và tự chủ về ngân sách. Đó cũng là cách mà Quảng Trị góp phần cùng cả nước viết nên câu chuyện chinh phục khát vọng thịnh vượng, phồn vinh mà Đại hội XIII của Đảng đã đề cập.
. Ông nói về tự chủ kinh tế, vậy cần khoảng bao nhiêu năm nữa để thực hiện điều này?
+ Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quảng Trị xác định những bước đi, cách làm có trọng tâm, trọng điểm, hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng các dự án động lực có tính lan tỏa, tạo sức bật và sức mạnh cho nền kinh tế địa phương.
Trên cơ sở đó, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, cũng như các bộ, ngành trung ương các cơ chế, chính sách lớn với tầm nhìn chiến lược, chẳng hạn như hình thành trung tâm năng lượng khu vực. Với những cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ giúp Quảng Trị vươn lên và hiện thực hóa mong muốn là “không còn đi xin ngân sách”, hướng đến tự chủ về ngân sách trong nhiệm kỳ tới!
. Xin cám ơn ông.