Các đại biểu HĐND TP không chỉ làm tốt vai trò tiếp nhận và giải quyết ý kiến của cử tri mà đã đưa hơi thở cuộc sống của người dân TP vào các nghị quyết, qua đó giải quyết được rất nhiều yêu cầu cấp bách từ đòi hỏi của cuộc sống, góp phần tích cực vào sự phát triển đi lên của TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, vẫn nhớ như in hình ảnh cụ bà 80 tuổi sống dưới mố cầu khi bà chủ trì buổi giám sát của HĐND TP.HCM về tiến độ và hiệu quả triển khai dự án giao thông trọng điểm cầu Long Kiểng (Nhà Bè) hồi tháng 5-2020.
Dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 với thiết kế dài 318 m, đường dẫn hai đầu 661 m, tổng mức đầu tư là 557 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 8-2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2019. Thế nhưng, do một số người dân chưa thỏa thuận bàn giao mặt bằng nên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
“Khi chúng tôi gặp một cụ bà sống dưới mố cầu, bà cho biết lúc cây cầu này chuẩn bị thực hiện thì bà 60 tuổi, nay bà đã 80 tuổi. Khi hỏi nguyện vọng thì bà nói mong sống được tới ngày nhìn thấy cây cầu” - bà Lệ kể lại giây phút khi đi giám sát dự án cầu Long Kiểng.
Ngay sau đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM đã đề nghị các cơ quan liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành cây cầu, như mong muốn của bà cụ 80 tuổi và những người dân sống hai bên cầu, giúp cho việc đi lại được thuận tiện, tránh cảnh kẹt xe thường xuyên.
Vụ việc không chỉ dừng lại ở buổi giám sát đó, ba tháng sau, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, sự chậm trễ của cây cầu này tiếp tục được đưa ra mổ xẻ.
Một lần nữa bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng việc thi công cây cầu mà đến 20 năm làm vẫn chưa xong thì khó chấp nhận. Trách nhiệm trong việc này không chỉ ở địa phương mà còn là trách nhiệm chỉ huy tổng thể của UBND TP.HCM. Do vậy, bà đề nghị UBND TP.HCM có câu trả lời để “người dân an tâm trước khi nhắm mắt xuôi tay”.
Và đó chỉ là một trong 129 cuộc giám sát chuyên đề mà HĐND TP.HCM đã thực hiện. Tuy nhiên, điều này cho thấy sự quyết liệt của các đại biểu với mong muốn góp phần thúc đẩy việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội TP.
Cùng với giám sát chuyên đề, nhiệm kỳ qua, thường trực và các ban của HĐND TP.HCM cũng đã tổ chức 315 cuộc giám sát, các tổ đại biểu HĐND TP.HCM tổ chức 463 cuộc giám sát.
Các cuộc giám sát luôn đi vào trọng tâm, bám sát những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Sau giám sát đã đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn có giải pháp khắc phục những hạn chế và tồn tại nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp…
Sáng 11-7-2019 có lẽ là một buổi sáng đặc biệt của các đại biểu bởi lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX đã triển khai ứng dụng “kỳ họp không giấy” vào nghị trường.
Đại biểu ai cũng hào hứng lướt trên màn hình máy tính bảng iPad để thao tác đọc tài liệu, thay vì phải đọc trên giấy như mọi lần. Các đại biểu nhanh chóng thích nghi với phương thức tiếp cận tài liệu mới. Kể từ thời điểm đó, không còn việc cứ lúc họp là phải có một chồng tài liệu chất cao trước mặt.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc cho biết bà cảm thấy hài lòng với điểm đổi mới họp không giấy tờ này. “Đây là lần đầu tiên thực hiện nhưng tôi thấy mọi thứ thuận lợi, thao tác khá dễ dàng. Ưu điểm dễ nhận thấy là việc sắp xếp tài liệu có tính hệ thống cao nên dễ dàng tra cứu” - bà Ngọc nói.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng lần đầu tiên đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp nên không tránh khỏi khó khăn. “Tôi tin rằng các đại biểu HĐND TP.HCM với sự tích cực, năng động, tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ vượt qua các trở ngại về thao tác kỹ thuật để tiếp cận ứng dụng mới trong nghiên cứu tài liệu, tập trung thảo luận để đóng góp ý kiến các nội dung đề ra” - bà Lệ nói.
Bà cũng cho rằng với cách làm mới này sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND thông qua việc tiếp nhận, phản hồi các thông tin khi tham gia các hoạt động tại kỳ họp.
Theo ông, đây là một giải pháp để thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, góp phần tham gia thực hiện đề án “Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020”.
Điểm mới này được cụ thể hóa tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX vào đầu tháng 12-2020. Kỳ họp này đã bầu bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM và ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Sau khi được bầu bà Thắng sẽ phụ trách lĩnh vực tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch, còn ông Bình phụ trách mảng đô thị.
Tuy nhiên, trước khi được bầu vào cương vị mới, bà Phan Thị Thắng và ông Lê Hòa Bình đều có chương trình hành động của mình. Trong đó nêu bật những việc làm cụ thể trong thời gian tới và cam kết với các đại biểu sẽ thực hiện nhiều vấn đề cho sự phát triển của TP.HCM.
318 là số lượng nghị quyết mà HĐND TP.HCM khóa IX đã ban hành nhằm góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề cấp bách của TP.
Chẳng hạn, HĐND TP.HCM đã cụ thể hóa việc xây dựng chính quyền đô thị trên địa bàn TP, góp phần hình thành và đưa TP Thủ Đức đi vào hoạt động; quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; ưu đãi bổ sung cho dự án đầu tư mở rộng của Tập đoàn điện tử Samsung tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Việc ban hành các nghị quyết cũng góp phần vào công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và xử lý chất thải trên địa bàn TP; thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng đây là những vấn đề thiết thực với đời sống vật chất, tinh thần của người dân TP, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để TP.HCM phát triển bứt phá. Từ những nghị quyết được thông qua đã hình thành các chính sách, tạo hành lang pháp lý, để các cơ quan, đơn vị có cơ sở tổ chức thực hiện, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Nói làm được nhiều thì thật là nhiều, bởi thành quả đó là sự kết tinh của quyết tâm chính trị lớn, tinh thần dấn thân, trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của đại biểu” - bà Tâm chia sẻ.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng “nói ít cũng vô cùng ít”, bởi còn nhiều vấn đề người dân mong đợi và những kiến nghị của người dân chưa được giải quyết thấu đáo, nhiều lời hứa của đại biểu chưa kịp thực hiện và còn nhiều dự định, tham vọng cho sự phát triển của TP chưa kịp làm.
Là đại biểu quê gốc Hóc Môn, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, cho biết bà luôn có những trăn trở cùng lãnh đạo địa phương và người dân xây dựng huyện ngày càng phát triển. Trong các kỳ họp, bà luôn nghiên cứu những vấn đề cốt lõi, số liệu chứng minh, thuyết phục để truyền tải ý kiến của mình và cử tri gửi gắm đến kỳ họp.
“Thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều trăn trở bởi những kiến nghị và đề xuất của cử tri chưa thực hiện được. Tuy vậy, trong năm năm qua, nhiều kiến nghị chính đáng của cử tri cũng đã được lãnh đạo các cấp giải quyết” - đại biểu Hoa nói.
Minh chứng cho việc này là nhiều hồ sơ công dân được giải quyết, nhiều con đường, hẻm, trường lớp được sửa và xây dựng mới khang trang… đã làm cho cuộc sống của người dân Hóc Môn đổi mới từng ngày.
Còn đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng bà cảm thấy thực sự hạnh phúc bởi từng ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị và bức xúc của cử tri được các cơ quan giải quyết và đem lại kết quả như cử tri mong đợi.
Mặc dù vậy vẫn còn nhiều vụ việc như quyền lợi của người dân tại các dự án treo, vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông… chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. “Đây chính là những trăn trở, những ưu tư của đại biểu dân cử. Đôi khi tôi cứ tự hỏi mình đã bảo vệ được đầy đủ, kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri hay chưa” - bà Ngọc chia sẻ.
Luôn trăn trở về những tâm tư và nguyện vọng của dân, bà Ngọc cho rằng đại biểu cần sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan, các cấp chính quyền một cách quyết tâm hơn. Cần đặt mình vào những vấn đề, vụ việc bức xúc của cử tri để thấu hiểu và giải quyết kịp thời, rốt ráo.