Chiều tối 7-7, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đưa ra thông báo về việc quyết định giãn cách toàn TP trong 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ 9-7. Quyết định này được TP đưa ra sau khi đã cân nhắc nhiều khía cạnh, sẵn sàng cho mọi tình huống với nguyên tắc đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.
Đây cũng là điểm khởi đầu của đợt giãn cách dài nhất tại TP.HCM theo Chỉ thị 16.
Cùng với giãn cách và phong toả, TP.HCM đã thực hiện nhiều biện pháp trong các giai đoạn khác nhau để dập dịch như cách ly tập trung F1, truy vết bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, xét nghiệm toàn TP, cấp tập mở rộng các bệnh viện dã chiến...
Chiều 26-5, chị NTKC (38 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám vì đau họng, sốt và mất khứu giác. Cùng hôm đó, hai vợ chồng ở quận 12 cũng vào bệnh viện này khám với triệu chứng tương tự.
Kết quả xét nghiệm xác định cả ba người dương tính COVID-19 và cùng sinh hoạt chung trong một nhóm người tại quận Gò Vấp. Ngay lập tức khoa cấp cứu của bệnh viện này bị phong toả.
Đó cũng được coi là khởi điểm bùng phát của đợt dịch lần thứ tư tại TP và các tỉnh thành phía Nam với chùm ca nhiễm liên quan đến một nhóm người ở quận Gò Vấp (hơn 400 ca nhiễm).
Lúc bấy giờ, chiến lược của TP.HCM phải là “zero COVID”, tức là cách ly nghiêm ngặt, phong toả cục bộ để điều tra, truy vết dịch tễ khi có ca nhiễm mới. Việc này nhằm đưa số ca mắc COVID-19 về 0 để người dân có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Chỉ trong hai ngày, hơn 12.000 người liên quan (F1, F2) đã được lấy mẫu, cách ly nhưng các ngành chức năng vẫn không thể xác định được “bệnh nhân số 0”.
Phải mất rất nhiều thời gian khi mà số ca nhiễm không ngừng tăng lên, gần như không thể đạt được mục tiêu “zero COVID” thì TP.HCM bắt đầu chuyển đổi tư duy chống dịch, tính đến chiến lược chung sống trong môi trường có dịch.
Phát biểu kết luận tại hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều 11-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng dù đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội với những giải pháp ở những cấp độ khác nhau, ngày càng nâng lên nhưng TP.HCM khó có thể quét sạch đến F0 cuối cùng trong một thời gian nhất định trên một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp.
Việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Ông cho rằng quan điểm này là mới so với trước đây và là quan điểm qua nhìn nhận từ thực tế, do vậy TP.HCM sẽ báo cáo Trung ương để xin ý kiến.
Tại các cuộc làm việc với nhiều địa phương sau đó, ông Nguyễn Văn Nên đều yêu cầu cần chuẩn bị tâm thế, kỹ năng cho người dân sống trong điều kiện bình thường mới, môi trường có COVID-19.
Nói tại buổi họp báo hôm 13-9, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng theo quan sát về diễn biến dịch trên thế giới và ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia, dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Do vậy, TP.HCM phải xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch, phải tổ chức sinh hoạt, kinh doanh sản xuất dựa trên nguyên tắc an toàn, sản xuất kinh doanh có điều kiện.
“Chúng ta phải thay đổi hành vi của mình để an toàn trong điều kiện có dịch” - ông Mãi nói và cho rằng việc tuân thủ quy định trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân để đảm bảo an toàn cho chính mình. Điều đó phải từng bước thực hiện để trở thành thói quen và thích ứng.
Ngày 28-7, xuất phát từ yêu cầu từ thực tiễn, TP.HCM đã triển khai thí điểm mô hình chăm sóc và quản lý F0 tại nhà nhằm giảm tải cho các bệnh viện.
Về sau, theo đánh giá của nhiều người, đây được xem là thay đổi lớn nhất trong chiến lược điều trị F0 tại TP.HCM, không chỉ giảm tải cho bệnh viện mà còn giúp hạn chế bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. Tính đến 27-9, TP.HCM có hơn 32.000 trường hợp F0 đang được cách ly tại nhà, chiếm khoảng 40% tổng số F0 đang được quản lý trên địa bàn. Cũng đã có hơn 132.000 F0 kết thúc thời gian cách ly tại nhà.
Đề cập đến chiến lược này hôm 3-8, ông Phan Văn Mãi - khi đó trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM, cho rằng TP xác định chuyển sang chiến lược điều trị, hạn chế tử vong. Thay vì đếm ca đương tính thì đếm số ca tiếp nhận điều trị, trong đó bao nhiêu ca điều trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng và bao nhiêu ca tử vong để có những biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn chuyển nặng, hạn chế ca tử vong.
Tuy nhiên để đi đến quyết định thay chiến lược điều trị này, TP.HCM đã trải qua những ngày mà số F0 liên tục tăng cao. Số lượng xe cấp cứu của Trung tâm 115 không đủ đáp ứng yêu cầu chuyển bệnh, nhiều bệnh nhân phải nằm chờ. Nhiều hộ dân có trường hợp chuyển nặng gọi về đường dây nóng của phường hay quận đều nghẽn, không liên lạc được, thậm chí có bệnh viện đã không nhận bệnh nhân trở nặng tuyến dưới chuyển lên.
Phát biểu ở hội nghị Ban Thường vụ mở rộng tối 25-7, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã đánh giá mục tiêu tối thượng là bảo bệ tính mạng con người, giảm tử vong… nhưng 16 ngày qua dù làm được nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng có nhiều người chưa cứu được. Ông nhìn nhận đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. “Chúng ta xin nhân dân lượng thứ” – ông Nên nói.
Sau phát biểu đó, TP.HCM bắt đầu chuyển chiến lược điều trị, chăm sóc và quản lý F0 tại nhà nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. 512 trạm y tế lưu động được thành lập với sự hỗ trợ của lực lượng quân y, các đội phản ứng nhanh cùng với nhân lực chi viện cho các trạm y tế ở 312 phường, xã, trị trấn. Các trạm y tế này có nhiệm vụ cấp thuốc cho F0 đang ở nhà, chăm sóc, hỗ trợ chuyển viện khi bệnh nhân chuyển nặng.
Tuy nhiên, khi số F0 được phát hiện rất nhiều qua xét nghiệm diện rộng thì việc bảo đảm thuốc điều trị cho F0 đang cách ly tại nhà cũng là vấn đề khó khăn bởi thực tế lúc đó nhiều F0 cho biết chưa có thuốc. “Nếu thiếu ăn một hai bữa còn chịu được, chứ thiếu thuốc một giờ sẽ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân” - Thượng tướng Võ Minh Lương nói như vậy tại cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM hôm 29-8.
Ngay lập tức, ông Phan Văn Mãi, vừa mới được bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Y tế phải chuyển ngay thuốc điều trị xuống cho các phường theo nguyên tắc số lượng thuốc cấp phải nhiều hơn số lượng F0 được ghi nhận trên địa bàn, có cơ số thuốc dự trữ nhất định tại các trạm y tế để kịp thời cấp ngay cho những F0 mới phát hiện.
Ngay sau đó, hàng chục ngàn túi trong số 150.000 túi thuốc an sinh được ngành y tế TP.HCM chuyển xuống cho các địa phương để hỗ trợ điều trị kịp thời cho F0 cách ly tại nhà.
Cũng trong thời gian này, Bộ Quốc phòng đã huy động 132.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tăng cường cho TP.HCM. Bộ Công an cũng huy động hàng nghìn cán bộ chiến sĩ để hỗ trợ TP giữ trật tự, cung cấp lương thực thực phẩm đến tận nhà dân. Cùng với đó rất nhiều tỉnh thành khác đã đưa lực lượng về hỗ trợ cho TP với quyết tâm cao nhất là kiểm soát dịch.
Sau một tháng thực hiện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó tỉ lệ “vùng đỏ, vùng cam” đã thu hẹp rõ và “vùng xanh” được mở rộng với trên 60% địa bàn dân cư, tổ dân phố đã trở thành “vùng xanh, cận xanh”.
Tỉ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua ba vòng xét nghiệm; hơn 90% dân số trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1. Một số dịch vụ được mở ra như hoạt động của siêu thị ở xã, phường, thị trấn gắn với shipper; dịch vụ ăn uống mang về. Đặc biệt, các huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 7 đã cơ bản kiểm soát được dịch.
Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết 86 đề ra và tiêu chí của Bộ Y tế thì TP.HCM còn một số nội dung chưa đạt. Do vậy, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội, TP quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến 30-9.
Tuy vậy sức ép mở cửa là rất lớn, các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt không thể vượt quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Dù cho những ngày này biểu đồ ca nhiễm tại TP.HCM đang đi ngang, trung bình mỗi ngày dao động từ 5.000 đến 6.000 người.
Trả lời với báo chí, ông Phan Văn Mãi cho rằng với sức ép giãn cách kéo dài, TP buộc phải mở cửa. Tuy nhiên khi mở ra khả năng bùng phát dịch là có thật và đã diễn ra nhiều nước trên thế giới. Đây là một trong những lý do TP.HCM rất cân nhắc. Vì vậy, cần thận trọng, cần chịu khó một thời gian nữa để kết quả này bền vững hơn.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn theo chiều hướng tốt đẹp nhưng cũng không ai dám chắc được nó sẽ như thế nào. Cần phải đảm bảo an toàn mới mở cửa” - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nói.
Ông cho rằng, khi có cơ hội thì mở cửa nhưng không được chủ quan, nôn nóng, thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn và nếu chưa an toàn thì không mở cửa. Đối với huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 7 đã cơ bản kiểm soát được dịch, Bí thư Thành uỷ đề nghị ba địa phương này xúc tiến ngay các hoạt động mở cửa đón khách du lịch trong thời gian tới. “Quận 7 có điều kiện không giống như hai huyện Cần Giờ và Củ Chi nên thận trọng hơn và cần có thời gian chuẩn bị chắc chắn hơn” - ông Nên nói.
Đến 16-9, TP.HCM chính thức thí điểm mở lại nhiều hoạt động ở ba địa phương trên.
Theo đó, cho phép người dân đi chợ 1 lần/tuần, thí điểm Thẻ xanh COVID. Cùng với đó là bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của chính quyền ba địa phương.
Ngày 19-9, huyện Cần Giờ mở cửa lại du lịch theo mô hình “bong bóng khép kín”. Chương trình “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” khởi hành vào 6 giờ 30 và kết thúc lúc 16 giờ 30 cùng ngày do ngành du lịch TP.HCM tổ chức, được xem là tour đầu tiên sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Người tham gia tour là 119 y bác sĩ, đại diện của các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, TP, các viện, học viện và các trường Đại học, Cao đẳng tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM thời gian qua.
Nhận thấy vaccine là một trong những điểm then chốt của công tác phòng chống dịch, từ ngày 19-6, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử tại TP.HCM với 650 điểm tiêm đã được khởi động và triển khai thần tốc trong bảy ngày. Khi đó, TP.HCM được Bộ Y tế chia 836.000 liều vaccine Astra Zeneca trong tổng số 966.3000 liều được nhập về Việt Nam vào giữa tháng 6 (chiếm 86%). Chiến lược tiêm vaccine tại TP.HCM được điều chỉnh qua từng giai đoạn. Ban đầu, TP ưu tiên tiêm cho 11 nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch, tuy nhiên sau đó đã mở rộng dần cho người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Mục tiêu của TP trong việc mở rộng đối tượng này là nhằm giảm số ca mắc mới, ca nhập viện trở nặng cũng như giảm nguy cơ tử vong. Với sự cố gắng vượt trội, tính đến hết ngày 27-9, TP.HCM đã tiêm gần 9,8 triệu mũi vaccine. Trong đó tổng số mũi 1 là hơn 6,8 triệu mũi (đạt trên 95% người trên 18 tuổi), mũi 2 là hơn 2,9 triệu mũi (đạt hơn 45%), số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là hơn 1,1 triệu. Và hiện TP vẫn đang nỗ lực để tăng tỉ lệ phủ vaccine mũi 2 cho người dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết tỉ lệ tiêm vaccine theo báo cáo trên từng quận huyện đạt khoảng 94% nhưng con số thực tế thì hầu hết các quận huyện đã tiêm đạt gần 100% mũi 1 cho người trên 18 tuổi. |
Khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, điều mà lãnh đạo TP lo lắng nhất là đời sống và an sinh của người dân. “Những người đã khó khăn trước đây nay do giãn cách xã hội lại tiếp tục khó khăn, những người trước đây có cuộc sống cơ bản nhưng do dịch bệnh kéo dài nên họ cũng trở thành người khó khăn” - ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP nói khi triển khai gói hỗ trợ lần thứ ba. Sau hai gói hỗ trợ với tổng số tiền hơn 6.000 tỉ đồng nhưng vẫn chưa đủ, TP.HCM đã thông qua gói hỗ trợ lần 3 cho trên 7,3 triệu người không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú với tổng ngân sách là 7.300 tỉ đồng. Gói hỗ trợ này hiện đang được trao tận tay cho người dân. Cùng với gói hỗ trợ lần ba, đến nay, TP.HCM đã cấp 14.100 tấn gạo đến các xã, phường, thị trấn; đã cấp gần 2 triệu túi an sinh đến với người dân nghèo. Gói hỗ trợ an sinh gồm tiền mặt, gạo và túi quà an sinh là những phần hỗ trợ với bà con trong thời gian thực hiện giãn cách. |