Hà Nội: Nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư công

Sáng 29-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý II và sáu tháng đầu năm 2020 với 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả kinh tế - xã hội của TP tháng 6 và quý II, từ đó đề ra nhiệm vụ, phương hướng cho tháng 7 và thời gian còn lại của năm 2020.

Kinh tế đang phục hồi sau dịch

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết đến nay TP Hà Nội đã thiết lập lại trạng thái bình thường sau dịch COVID-19 với hơn hai tháng không có ca bệnh mới ngoài cộng đồng, kinh tế đang phục hồi trở lại.

“Từ tháng 5, sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi, các chỉ tiêu tăng cao so với tháng trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,39%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của TP nhưng cũng là mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành trong cả nước trong bối cảnh chung bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19” - ông Quyền thông tin.

Đặc biệt, mặc dù kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhưng hai tháng vừa qua, TP Hà Nội đã tích cực triển khai các gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân vượt khó sau dịch. Trong đó, TP đã hỗ trợ đợt 1 với tổng kinh phí 474,1 tỉ đồng cho hơn 385.000 đối tượng gặp khó khăn; tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho trên 22.200 người với số tiền 496,2 tỉ đồng; TP bổ sung 1.009 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân...

TP Hà Nội hiện phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí cao, rác thải nhiều… Ảnh: HOÀNG GIANG

Một việc không giao hai đầu mối

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn…

Ông Chung giao Sở Tài chính chủ trì, cùng Sở KH&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, trình thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Theo Chủ tịch TP Hà Nội, các cơ chế này được triển khai càng nhanh thì càng sớm tạo cú hích giúp kinh tế Hà Nội khôi phục.

Hai kịch bản tăng trưởng

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết TP đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Kịch bản 1: Tăng trưởng quý III đạt 7,8%, quý IV đạt 8,4%, tính chung sáu tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước, từ 4,4% đến 5,2%).

Kịch bản 2: Tăng trưởng quý III đạt 6,9%, quý IV đạt 7,4%, tính chung sáu tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng của cả nước, từ 3,6% đến 4,4%). 

Về thúc đẩy đầu tư công, ông Chung đề nghị các đơn vị địa phương và năm ban quản lý dự án của TP phải thống kê, rà soát toàn bộ các dự án đã được bố trí vốn và tiến độ thực hiện dự báo cho đến ngày 30-1-2021, các dự án có vốn chuyển tiếp sang năm 2021 và những năm tiếp theo. Tiếp đó, phải rà soát để cân đối được toàn bộ số vốn sẽ có để phục vụ cho đầu tư phát triển vào năm 2021 và những năm tiếp theo, từ đó xác định lại các lĩnh vực đầu tư để đối chiếu vào danh mục, xếp thứ tự đầu tư ưu tiên. Đặc biệt trong các giải pháp đề ra, Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh tới giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

“Các đơn vị phải đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục, áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đặc biệt, TP phải tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI…” - Chủ tịch TP Hà Nội chỉ đạo.

Theo đó, ông giao Sở Nội vụ cùng với Sở KH&ĐT và các sở rà soát lại chức năng, nhiệm vụ tất cả phòng, trên nguyên tắc “một nhiệm vụ không được giao hai đầu mối”.

Sớm cấp sổ đỏ cho dân

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thải, việc phun nước rửa đường. Khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính tổ chức đấu thầu thu gom xử lý rác năm 2021 và giai đoạn 2022-2025. Kiểm tra, chăm sóc, duy tu, cắt tỉa cây xanh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão. Hướng dẫn cấp một lần giấy phép hạ cáp ngầm tại các tuyến phố chưa hoàn thành công tác này. Chủ trì đấu thầu xử lý 560 m3 nước rỉ rác ở Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Ông Chung cũng yêu cầu Sở TN&MT triển khai đôn đốc dự án lắp đặt quan trắc không khí; khảo sát xây dựng phần mềm quản lý đất đai, quy hoạch gắn liền với quy hoạch kiến trúc và không gian ngầm; cấp phép chứng nhận mua bán nhà liên quan đến sổ đỏ cho người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy