Hơn cả người hùng!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Kỷ niệm 31 năm Ngày thành lập báo Pháp Luật TP.HCM năm nay diễn ra trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi TP.HCM đang cùng cả nước tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Gánh nặng lớn nhất của cuộc chiến ấy đang dồn lên vai lực lượng tuyến đầu với những nỗ lực, hy sinh không sao đong đếm được. Chúng tôi, những người làm báo Pháp Luật TP.HCM, xin dành ngày kỷ niệm đặc biệt của mình để bày tỏ sự tri ân to lớn đối với họ - những người hùng đang ngày đêm chiến đấu vì sức khỏe của nhân dân, đất nước. 

Hơn hai tháng qua, BS Nguyễn Thị Kim Cúc, được BV Da liễu TP.HCM điều động giữ nhiệm vụ trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp BV dã chiến số 12 (TP Thủ Đức), đã không về nhà. Chồng chị là BS Ngô Duy Đăng Khoa, Trưởng Phòng quản lý chất lượng của BV Da liễu, cũng được Sở Y tế điều động giám sát các khu cách ly ở quận 8, còn xa nhà lâu hơn chị cả tháng.

Hai con của anh chị, bé lớn vừa thi đại học, bé nhỏ học lớp 8, cùng bà ngoại - mẹ chị Cúc (84 tuổi) đang nương tựa, chăm sóc nhau. Dù ở trong cùng một TP, cả nhà chỉ gặp nhau qua những cuộc gọi Google Meet không được đều đặn và gián đoạn vì công việc dồn dập, nhiều khi không còn biết thời gian.

“Tôi đã chuẩn bị tinh thần một cuộc chiến… dài”

BS Cúc chia sẻ số ca cần điều trị ở bệnh viện vẫn còn cao, riêng BV dã chiến số 12 đã nâng công suất từ hơn 1.000 bệnh nhân lên 2.500 bệnh nhân nhưng luôn kín giường. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là số ca mắc COVID-19 tử vong có chiều hướng giảm.

Vài đồng nghiệp của BS Cúc đã được ban giám đốc tạo điều kiện thu xếp để về giải quyết công việc gia đình nhưng vị trí điều phối nhận và chuyển bệnh khó có thể vắng mặt BS Cúc. “Ngay từ đầu tôi đã chuẩn bị tinh thần phải chiến đấu kéo dài và cảm thấy trách nhiệm của bản thân, và người làm trong ngành y càng phải góp sức mình cho công tác chống dịch”-BS Cúc nói.

Đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch nỗ lực hết sức mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân covid-19. Ảnh: H.AN - Đ.TRÚC 

Nhiều ngày qua, BV dã chiến số 12 còn được các đoàn nhân viên y tế tình nguyện từ Sơn La, Quảng Ninh tiếp sức. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó có điều dưỡng tên Hân ở đoàn Quảng Ninh, vợ cũng đi chống dịch nên phải nhờ bà nội lên chăm hai con nhỏ nhưng bà bị té gãy tay, một bé phải chuyển sang gửi cho bà ngoại, một bé nhờ hàng xóm trông. Nén nỗi lo xa con, điều dưỡng Hân quyết tâm ở lại phục vụ bệnh nhân. Một điều dưỡng khác tên Ngọc Ngà, cũng ở đoàn Quảng Ninh, hóa “cô tiên” khi tối tối lại mang sữa, bánh đến từng phòng cho những em bé, khi ra về các bé còn viết thư cám ơn “cô tiên”.

BS Cúc cũng như nhiều nhân viên y tế khác đang mong chờ ngày về đoàn tụ cùng gia đình. Thế nhưng cũng có những nhân viên y tế đã bị virus quái ác cướp đi tính mạng, không thể trở về nữa, như điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại BV Nhân dân Gia Định; BS Trịnh Hữu Nhẫn, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè). BS Nhẫn chỉ còn bốn tháng nữa là nghỉ hưu. Vốn có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, sức khỏe giảm sút nhưng ông đã không chọn việc nhẹ nhàng dù người nhà đã nhiều lần khuyên ông nghỉ để cho lớp trẻ, khỏe chống dịch. Hai con nhỏ của điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng đã vĩnh viễn không còn thấy bóng dáng mẹ.

Chăm sóc, cận kề người bệnh, thế nhưng nhiều nhân viên y tế khác không thể ở bên người thân vào giây phút cuối đời... Nhiều nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 trong quá trình điều trị bệnh nhân đã sẵn sàng hỗ trợ các F0 và tiếp tục công việc.

2.500 là số nhân viên y tế trên cả nước nhiễm COVID-19 trong quá trình làm việc, chăm sóc bệnh nhân COVID-19; đã có ba nhân viên y tế ở TP.HCM và Bình Dương không may tử vong. Cả nước hiện có hơn 200.000 bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc tại cơ sở y tế, tính trung bình mỗi bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và quản lý 140-150 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày.

(Theo Công đoàn y tế Việt Nam)

Xác định về khi TP.HCM khỏe lại

TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phía Nam đã tiếp nhận hàng ngàn nhân viên y tế từ miền Trung, miền Bắc chi viện. Theo thống kê, có hơn 10.000 nhân viên y tế đang tiếp sức cho TP.HCM chống dịch COVID-19, trong đó có đoàn 35 nhân viên y tế từ BV đa khoa Trung ương Quảng Nam đang hỗ trợ Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 do BV Trung ương Huế phụ trách ở quận Tân Phú.

BS Dương Chí Lực, trưởng đoàn tình nguyện, chia sẻ đã tham gia chống dịch được năm tuần và khao khát giúp TP.HCM mau khỏe lại.

Tham gia hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng đến rất nặng, BS Lực cùng các đồng nghiệp ngày đêm cứu chữa, mong muốn giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong xuống thấp nhất. Nhiều bệnh nhân tưởng chừng không vượt qua khỏi đã được điều trị xuất viện, giúp BS Lực cùng các đồng nghiệp vững tâm chiến đấu.

Theo BS Lực, có đôi lúc anh cảm thấy áp lực khi một êkíp năm bác sĩ phải điều trị cho gần 200 bệnh nhân đều có bệnh nền nặng. Có lúc hai, ba bệnh nhân cùng ngưng tim, êkíp phải huy động nhân sự bên ngoài vào ép tim, sốc điện, hồi sức cho bệnh nhân.

“Tôi không nghĩ cuộc chiến này lại khốc liệt như vậy, có những bạn con nhỏ cứ nghĩ vào chừng tháng rồi sẽ về. Có những bệnh nhân ra đi trước mắt mà không thể làm gì để cứu họ. Đa số bệnh nhân nặng đều muốn gặp người nhà. Có những người rất yếu nhưng tỏ ra rất khỏe để nhanh gặp lại người thân nhưng mình không thể làm gì được. Có em bé chỉ mới sáu tháng tuổi vừa qua cơn nguy kịch, hồn nhiên vừa cười vừa “nói gió” với bác sĩ qua áo bảo hộ” - BS Lực kể.

Đi vào tâm dịch, BS Lực xác định để có thành công phải chấp nhận mất mát, kể cả là tính mạng. Bản thân anh từng có chú, bác, ông nội và cậu ruột năm xưa lên đường chi viện miền Nam chống giặc nhưng đã không ai trở về, vì lẽ đó người nhà của anh càng lo lắng hơn. “Nhưng không vì thế mà mình nhụt ý chí. Mình chấp nhận tất cả và tự hào tiếp bước cha ông, lần này là chống giặc COVID. Ở quê, dịch hoành hành, mình đã thấy đau lòng nhưng vào đây càng đau lòng khi phố phường đìu hiu, vắng lặng như một cơ thể bị ốm đau” - BS Lực bày tỏ.

Giống như bao nhân viên y tế khác đang xa gia đình để hỗ trợ chống dịch, BS Lực cũng mong sớm đoàn tụ với gia đình nhưng ngày về ý nghĩa nhất đối với anh là khi Sài Gòn khỏe lại. “Ngày về đối với tôi bây giờ là việc tính sau, quan trọng là Sài Gòn phải khỏe lại, dịch bệnh được đẩy lùi” - BS Lực chia sẻ.

Chủ tịch nước: Ghi nhận xứng đáng hơn nữa với đội ngũ y bác sĩ

Tôi đã thấy và vô cùng xúc động trước những tấm lòng quả cảm, tinh thần tận tụy, tấm gương hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ, những cán bộ công an, quân đội, những người đứng ở tuyến đầu chống dịch và cả những người tình nguyện, những người làm công tác thiện nguyện. Chúng ta thật sự cảm động trước những câu chuyện cha xa con, vợ xa chồng để “tòng quân chống dịch” không sợ hiểm nguy như lời một bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến đội ngũ y tế, lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trên cả nước đã ngày đêm tận tụy, hy sinh cho công tác phòng chống dịch, vì an toàn sức khỏe nhân dân. Nhân đây tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền TP nên tiếp tục xem xét để có chế độ đãi ngộ và ghi nhận xứng đáng hơn nữa với đội ngũ y bác sĩ, những người đứng ở tuyến đầu chống dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm