Sau khoảng 45 ngày thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đưa ra năm giải pháp tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng chống dịch từ 0 giờ ngày 23-8.
Trong bối cảnh TP nỗ lực tiêm vaccine nhưng độ phủ và thời gian để sinh kháng thể vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, cùng với tình hình dịch diễn biến phức tạp, hệ thống y tế vẫn quá tải, thì các biện pháp tăng cường giãn cách là hoàn toàn có thể hiểu được.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên ĐH Bristol (Anh) nhận định: Việc giãn cách tối đa để đảm bảo giảm F0 và tử vong trong giai đoạn vừa qua là hợp lý, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Tuy nhiên, Việt Nam cần thúc đẩy đồng bộ nhiều giải pháp để bổ trợ chính sách giãn cách, đảm bảo chiến lược chống dịch sớm đạt thành quả tích cực.
Kinh tế-xã hội đang bị tổn thương ra sao?
. Phóng viên: Cuối tháng 7-2021, chỉ số phục hồi đại dịch COVID-19 (Nikkei Covid-19 Recovery Index) của Việt Nam rớt xuống hạng 120. Ông nhận xét như thế nào về sự tổn thương của nền kinh tế do dại dịch đã gây ra?
+ TS. Hồ Quốc Tuấn: Giãn cách xã hội kéo dài thì doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường, sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn, không có tiền trả nợ vay và có thể phá sản. Người lao động không có thu nhập thì không có tiền trang trải nhu cầu tối thiểu và các khoản vay nợ cá nhân. Người giàu có thể tồn tại được, nhưng người thu nhập trung bình trở xuống đều sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh.
Nhìn chung chỉ số Quản lý Thu mua PMI (chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất, dựa trên (i) đơn đặt hàng mới, (ii) mức tồn kho, (iii) sản xuất, (iv) giao hàng từ nhà cung ứng và (v) môi trường lao động – PV) của tháng 7 đã cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp so với tháng 6, vốn dĩ đã giảm khá mạnh. Đây là một tín hiệu phản ánh tâm lý của những nhà quản trị vẫn đang bi quan với tình hình sản xuất trong ngắn hạn. Chỉ số lạm phát tháng 7 tăng thấp nhất kể từ 2016, bất chấp một số mặt hàng thiết yếu và thực phẩm tăng giá do giãn cách xã hội. Điều này phản ánh tổng cầu và hoạt động kinh tế ở mức thấp.
Câu chuyện đáng lo ngại hơn là chuyện đứt gãy các chuỗi cung ứng, điển hình như chuyện ở cảng Cát Lái, việc 700.000 ha lúa miền Tây chín rục mà thiếu người mua, hay những người nuôi tôm không thể thu hoạch hoặc thu hoạch mà không bán được...
Những tổn thương này đối với nền kinh tế có thể chưa nhìn thấy ngay trên số liệu thống kê trong một vài tháng quá, nhưng có thể sẽ kéo dài sang cả giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế. Lý do là nhiều chuỗi sản xuất có thể đổ vỡ luôn chứ không chỉ đứt gãy vì nhiều nhà cung ứng chính có thể không còn đủ sức để trụ nữa nếu chính quyền không có giải pháp ứng phó kịp thời và đủ hiệu quả.
Chúng ta có thể hình dung viễn cảnh này khi nhìn vào câu chuyện chi phí đầu vào và nhiều sản phẩm tăng giá mạnh ở Mỹ và Châu Âu sau khi họ mở cửa trở lại trong thời gian gần đây sau một thời gian đóng cửa bị ảnh hưởng đại dịch. Tôi nghĩ Việt Nam chung và TP.HCM nói riêng phải cố gắng tránh hệ lụy này.
Dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
. Sự tổn thương của nền kinh tế như vậy ảnh hưởng như thế nào đến sức cạnh tranh của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung?
+ Đánh giá tổn thương với sức cạnh tranh cần được nhìn nhận ở khía cạnh là chúng ta sẽ có thể chống dịch hiệu quả để có thể mở cửa nhanh hay chậm so với những đối thủ như Thái Lan, Indonesia. Theo chỉ số Nikkei COVID-19 Recovery Index, các nước này cùng Việt Nam đều gặp khó khăn trong tiến trình hồi phục. Do đó, những tổn thương hiện nay có thể gây ảnh hưởng như thế nào đến sức cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam thì trong tức thời vẫn chưa thể đáng giá rõ ràng.
Tuy nhiên, nhu cầu người nước ngoài mở rộng đầu tư vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng ta chống dịch thiếu hiệu quả hơn dẫn tới mở cửa nền kinh tế chậm hơn so với các đối thủ. Dù như vậy, tôi phải lưu ý rằng nếu mở cửa quá gấp thì chúng ta lại có nguy cơ đi vào sai lầm của Mông Cổ, đó là mở cửa vội vã và bị bùng dịch trở lại. Như thế thì đầu tư nước ngoài cũng sẽ không vào. Vì vậy, chọn thời điểm mở cửa phù hợp sẽ đảm bảo chúng ta không mất đi sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, mà có thể còn là điểm sáng trong mắt họ.
Đảm bảo số 1: Không đứt gãy chuỗi cung ứng
. Từ mục tiêu “vừa chống dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng”, hiện Việt Nam, đặc biệt TP.HCM chuyển sang chiến lược “hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân”. Điều này lý giải việc TP đã áp dụng Chỉ thị 16 nhiều tuần, đưa ra nhiều giải pháp y tế để giảm tử vong. Ông nhận xét thế nào về sự chuyển hướng này của Việt Nam, nhất là TP.HCM trong chống dịch?
+ Tôi cho rằng việc giãn cách tối đa để đảm bảo giảm F0 và tử vong trong giai đoạn vừa qua là hợp lý, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Tuy nhiên, khi giãn cách quá lâu, giải pháp này có thể bộc lộ những điểm yếu. Ví dụ, giãn cách có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, suy yếu kinh tế, khi đó chúng ta sẽ không còn nguồn lực của xã hội để cứu trợ cho người yếu thế.
Ngoài ra, việc giãn cách thời gian dài cũng phải đảm bảo khả năng tiếp cận chăm sóc y tế khẩn cấp cho những người dân bị bệnh ngoài COVID-19. Chúng ta nên biết ở nhiều nước, ngoài việc quan sát số ca tử vong vì SARS-CoV-2, thì các chỉ số tử vong ở bệnh nhân không mắc COVID-19 trong mùa dịch cũng rất quan trọng. Nếu tử vong không vì lý do COVID-19 tăng bất thường so với trước khi có dịch, thì điều đó cũng cho thấy hiệu quả chống dịch không cao và ngược lại.
. Có thể thấy việc tổ chức lại hệ thống y tế là một trong những trụ cột để TP.HCM bảo vệ mạng sống người dân. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?
+ Tôi cho rằng việc TP.HCM thành lập hơn 300 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 tại nhà là cần thiết và tiệm cận với việc chăm sóc y tế kịp thời trong dịch mà các nước thực hiện.
Điển hình ở Anh, họ áp dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth). Đây được xem là một nhân tố quan trọng giảm thiểu nhiều ca tử vong ở các viện dưỡng lão và những khu vực có nhiều người có bệnh nền cầm chăm sóc ở Anh. Bác sĩ có thể theo dõi, đưa ra chẩn đoán và đề xuất giải pháp điều trị từ xa, giảm bớt ca chờ và nhập viện không cần thiết. Song song đó, họ lập tức thông báo đội ngũ cấp cứu đối với những ca có nguy cơ cao trở nặng để giảm nguy cơ tử vong, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối (cứu chữa F0 nặng và nguy kịch).
Ở Việt Nam hiện đã bắt đầu áp dụng công nghệ này và cần phải phát huy hiệu quả thực sự của nó. Tất nhiên những tổ phản ứng nhanh nói trên vẫn rất cần thiết, được xem là một dạng “telehealth Việt Nam”. Tuy nhiên, số lượng có thể cần nhiều hơn nữa và quan trọng là chất lượng nhân lực phải đồng đều với quy trình phải mạch lạc hơn nữa.
. Nếu nhìn bài học từ châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng, Việt Nam nên lưu ý điều gì khi triển khai chống dịch với phương châm “lấy việc bảo vệ sinh mạng người dân làm trọng tâm”?
+ Ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam đang tiến hành phương pháp chống dịch gần giống như ở các nước Châu Âu từ giữa đợt bùng dịch thứ hai năm ngoái cũng như mùa đông vừa qua. Đó là áp dụng giãn cách tối đa để bảo vệ sinh mệnh người dân và áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe từ xa để kéo dài thời gian, đảm bảo cho tiêm chủng vaccine có thể tiến hành để rồi mở cửa lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều khác biệt là mức độ hạn chế đi lại giữa các tỉnh thành cũng như cung ứng hàng hóa của Việt Nam dường như bị giới hạn nhiều hơn so với các nước; quá trình điều tiết chuỗi cung ứng, vận tải hàng hóa cũng xuất hiện nhiều lúng túng nên chính sách phải thay đổi khá nhiều.
Tình trạng này cần phải được cải thiện và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo là các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ" để hàng hóa thông thương. Đây là kinh nghiệm quan trọng và chúng ta phải tránh mắc sai lầm. Hiểu nôm na, chúng ta đang chống dịch bằng cách thu mình vào một căn phòng kín để tránh bị virus xâm nhập và chờ tới lượt được tiêm vaccine. Tuy nhiên, chúng ta phải chừa lỗ thông khí để không bị ngạt thở (trước khi bị virus xâm nhập).
Điều quan trọng khi thực hiện giãn cách xã hội là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Đảm bảo số 2: Tăng cứu trợ
. Như ông nói, hiện nay không còn cách nào ngoài biện pháp giãn cách và chờ vaccine, nhưng cũng cần lỗ thông khí để người dân, doanh nghiệp có thể “thở”. Ngoài việc cân nhắc chính sách đi lại cung ứng hàng hóa, thì chúng ta có thể hình dung “lỗ thông khí” đó được tạo ra như thế nào?
+ Cho đến nay, bài học trên thế giới cho thấy không có nước nào áp dụng biện pháp siết chặt giãn cách trong thời gian dài mà không cần dùng đến những gói cứu trợ lớn. Không kể các nước đã chi bất thường trên 15% GDP để hỗ trợ kinh tế, những nước Châu Âu ngập trong nợ nần như Tây Ban Nha cũng có thể chi 5% GDP để vực dậy hoạt động kinh tế-đời sống của doanh nghiệp và người dân.
Các gói cứu trợ của Việt Nam cho đến lúc này vẫn ở quy mô còn khiêm tốn và cần tính lại sự thẩm thấu thực sự của nó. Chẳng hạn như các gói giảm thuế sẽ rất ít có tác động thực chất trên diện rộng vì nhiều doanh nghiệp không hoạt động, thua lỗ thì lấy lợi nhuận đâu ra mà có thuế thu nhập doanh nghiệp để đóng. Cũng không thể buộc ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ trên diện rộng được. Họ sẽ có xu hướng hỗ trợ các doanh nghiệp lớn vốn là khách hàng lâu năng hay tiềm năng của họ. Nói cách khác, các công cụ chống dịch “ít tốn ngân sách” không còn hiệu quả nữa.
. Gói cứu trợ đó, theo ông, quy mô thế nào và triển khai ra sao?
+ Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần một gói chi tiêu công lớn để hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục giải ngân mạnh đầu tư công, vốn cũng đang được triển khai chậm do những hạn chế của dịch bệnh. Tính đến giữa tháng 7-2021, theo số liệu theo dõi tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam chi ra chỉ khoảng 1,5% GDP từ ngân sách cho chống dịch, con số khá thấp so với các nước. Trong bối cảnh hiện tại, nâng con số này lên 3-5% GDP thì cũng chỉ ở mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi hoặc những nước nợ nần lớn ở Châu Âu. Nghĩa là chúng ta còn dư khả năng thực hiện việc chi gấp đôi, gấp ba số tiền hiện nay.
Cần phải chi thêm ngân sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống dịch một cách hiệu quả và kịp thời. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Khi triển khai, phải có những khoản chi trực tiếp vào tay người dân cần nó nhất, và đừng sợ chi không đúng người mà nên lo là chi không đủ rộng. Không nên vì sợ những trường hợp “giả nghèo” mà không cứu giúp người nghèo. Chúng ta rất cần chi mạnh vào lúc này để hỗ trợ người dân. Người dân yên tâm ở trong nhà, có đủ nguồn dinh dưỡng và thoải mái về tinh thần thì mới chống dịch bằng giãn cách chặt chẽ được.
Đảm bảo số 3: Xác định tiêu chí để từng bước “bình thường mới”
. Khi TP.HCM cố gắng tiêm vaccine, giãn cách xã hội và tính ngày mở cửa thì một số quốc gia trên thế giới dù đã tiêm đủ vaccine như dịch vẫn quay lại, họ vẫn không có cách nào khác là đóng cửa. Bài học ở đây sẽ là gì?
+ Những câu chuyện như số ca bệnh vẫn từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn như ở Anh, Mỹ, hoặc khả năng phải giãn cách trở lại bất chấp một tỷ lệ cao trong dân số đã tiêm đủ hai mũi vaccine như Israel không nằm ngoài dự đoán của giới khoa học. Hiện nay, chưa có vaccine nào bảo vệ 100% khỏi bị nhiễm bệnh hay bị trở nặng. Tuy nhiên, vaccine làm giảm thiểu được tình trạng trở nặng và tử vong. Như vậy, chúng ta có được bốn bài học quan trọng khi nhìn nhận dịch bệnh này.
Thứ nhất, tiêm vaccine xong, mở cửa kinh tế trở lại, bao gồm mở cửa giao thương quốc tế, thì khó có thể có số ca F0 bằng 0. Nếu một nước bỏ ra nguồn lực khổng lồ như Trung Quốc để cách ly 18 tỉnh ngay khi chỉ có vài ca bệnh còn không làm được, thì Việt Nam cũng không nên hướng tới mục tiêu đó. Phải tính chuyện sống chung với SARS-CoV-2.
Thứ hai, cũng cần lưu ý nếu mở cửa ra quá vội vã có thể dẫn đến bùng dịch như Mông Cổ hoặc Seychelles bất chất tỷ lệ tiêm vaccine cao. Tình trạng mở ra rồi đóng lại rất nhanh sau đó sẽ khiến nhiều người dân thất vọng, thậm chí giận dữ như trường hợp ở Anh năm ngoái và Israel hiện nay.
Thứ ba, vaccine có thể giảm thiểu việc tạo ra triệu chứng COVID-19 nặng, nhưng không đảm bảo hoàn toàn loại bỏ rủi ro này. Nói cách khác, vẫn sẽ có một tỷ lệ nhất định gặp rủi ro trở nặng do virus này, nhất là với các vaccine có tỷ lệ hiệu quả giảm đi nhiều với chủng Delta.
Thứ tư, một nghiên cứu trên Lancet Regional Health – Europe gần đây từ dữ liệu hơn 17 triệu người Anh cho thấy Covid-19 chủ yếu đóng vai trò chất xúc tác khuếch đại các bệnh nền, góp phần gây ra tử vong cao ở người già và những người có bệnh nền tại Anh.
. Nhận thức trên hàm ý cho Việt Nam những mục tiêu hành động nào?
+ Thứ nhất, Việt Nam cần phải tiêm vaccine khẩn cấp nhất cho người già và người có bệnh nền có khả năng chuyển nặng thì mới có thể đảm bảo giảm thiểu tỷ lệ tử vong khi mở cửa nền kinh tế. Chỉ tập trung người già là đã bỏ sót một rủi ro tiềm ẩn ở người trẻ nhưng có bệnh nền.
Thứ hai, ngay cả như vậy, vẫn sẽ có một tỷ lệ trong số họ có thể bị lây nhiễm và cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Với tình trạng hệ thống y tế thường xuyên ở trạng thái căng thẳng của Việt Nam từ trước dịch, tử vong nhiều khả năng vẫn sẽ diễn ra.
Để giảm thiểu tình trạng này, một số ngành, khu vực vẫn không thể quay trở lại trạng thái bình thường ngay được, mà chỉ có những khu vực kinh tế ưu tiên, bảo đảm được an toàn giãn cách xã hội mới được mở cửa trước. Chúng ta cần phải theo dõi số ca bệnh nặng và tử vong, cũng như khả năng tiếp nhận bệnh mỗi ngày của hệ thống bệnh viện địa phương mà đặt ra những mức giới hạn của các chỉ tiêu này để tiến hành các bước mở cửa tiếp theo. Chúng ta phải dừng tiến trình mở cửa ngay khi các chỉ số này đi vào mức báo động (chẳng hạn khi sắp không còn đủ giường bệnh).
Nếu thực thi tiến trình mở cửa từng phần này, nhiều khu vực trong nền kinh tế như du lịch, hàng không, giải trí, nhà hàng, khách sạn vẫn cần các gói hỗ trợ kinh tế. Ngoài ra, cũng cần nhận thấy việc nâng cấp năng lực tiếp nhận bệnh nhân của hệ thống y tế (bất kể bệnh nhân COVID-19 hay không) là nền tảng quan trọng nhất để chống dịch. COVID-19 bản thân nó là một vấn đề thử thách năng lực tiếp nhận bệnh của từng hệ thống y tế. Nước nào có hệ thống y tế có khả năng chăm sóc nhiều bệnh nhân hơn thì tác động sẽ ít hơn và sẽ mở cửa được nhanh hơn. Vaccine có thể hỗ trợ giảm thiểu tử vong, nhưng không thể làm thay hoàn toàn vài trò của hệ thống y tế.
. Xin cám ơn ông.