Khiếu nại, tố cáo tăng theo sự phát triển của xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-9, hai đoàn giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại, tố cáo và sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ nhất để đánh giá và đưa ra định hướng cho công tác này trong thời gian tới.

Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp về tiếp công dân
và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: quochoi.vn

Thay đổi giám sát để phù hợp với đổi mới của Quốc hội

Về giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch QH, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá: Sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa đi kèm với việc tăng khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.

Hằng năm, QH, UBTVQH, các cơ quan của QH đều có giám sát qua báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ban Dân nguyện được UBTVQH phân công giúp tổ chức các hoạt động giám sát về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, gần đây QH đã đổi mới, yêu cầu Ban Dân nguyện có báo cáo hằng tháng về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các kiến nghị của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH.

Việc này để giúp UBTVQH theo dõi, cho ý kiến và nếu cần sẽ chỉ đạo xử lý những sự việc gây bức xúc trong nhân dân cũng như giải quyết các vấn đề kịp thời hơn.

Theo nghị quyết, đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ và các bộ, ngành; TAND Tối cao, VKSND Tối cao; UBND, TAND, VKSND các tỉnh, thành, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Việc giám sát sẽ đánh giá kết quả, xác định nguyên nhân hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… và có kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết, các đề cương báo cáo, đối tượng chịu sự giám sát, dự kiến ban đầu phân công đối với các thành viên của đoàn giám sát.

Sắp xếp ĐVHC gắn kiện toàn bộ máy, cán bộ

Cũng trong ngày 9-9, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát, chủ trì phiên họp sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đây là một trong bốn chuyên đề giám sát rất quan trọng được QH thông qua cho giai đoạn 2021-2022.

Việc sắp xếp thu gọn hợp lý các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị.

Từ năm 2019 đến tháng 4-2021, UBTVQH đã ban hành 47 nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành. “Kết quả giám sát sẽ là cơ sở cho việc đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022-2030; kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn của ĐVHC và việc sắp xếp ĐVHC cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn…” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nói.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành có các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã thực hiện sắp xếp.

Theo ông Định, nội dung giám sát tập trung vào việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động sau khi sắp xếp ĐVHC, tác động của việc thực hiện sắp xếp đến mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương…

Qua thảo luận, các đại biểu đồng tình với những nội dung cơ bản của việc giám sát nhưng có góp ý là cần làm rõ, chi tiết các vấn đề như phạm vi giám sát cũng như tổ chức việc giám sát linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch COVID-19…

Bộ Công an đề xuất xây dựng nhiều dự án luật

Ngày 9-9, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, làm việc với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cùng một số đơn vị trực thuộc về tiến độ, chất lượng xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị định do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Theo đó, các dự án luật do Bộ Công an đề xuất xây dựng năm 2022 gồm Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Cảnh sát cơ động.

Bộ Công an cũng đang chủ trì xây dựng 11 nghị định gồm tám nghị định quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022; ba nghị định thuộc chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị định khẩn trương rà soát, tiếp thu ý kiến các bộ, ban, ngành có liên quan, hoàn thiện dự thảo trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm