Là đại biểu Quốc hội phải học cách lắng nghe nỗi niềm của dân

Sáng 12-1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2021).
Đến dự có nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội được bầu tại TP.HCM và ở các địa phương khác nhưng đang công tác, sinh sống tại TP…

Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đã ôn lại không khí ngày tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước. Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Ở các địa phương khác, cuộc tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh, tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của địch và đã có 42 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tổng tuyển cử.
Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỉ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần.
Cuộc tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung – Nam.
Theo ông Quang, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Trải qua 75 năm hoạt động với 14 nhiệm kỳ, ông Quang cho rằng Quốc hội Việt Nam luôn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội các thời kỳ trao đổi tại buổi họp mặt. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Quang cho rằng nhiều thế hệ đại biểu TP.HCM đã đóng góp tâm sức vào thành quả chung của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM từ khóa VI đến nay đã luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, cùng chính quyền và nhân dân TP phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua biết bao khó khăn thử thách, đi đầu trong đổi mới tư duy, giành được những thành tựu quan trọng. Từ đó, không phụ lòng tin yêu, tín nhiệm của đồng bào cử tri TP và sự quan tâm của Thành ủy, của Đảng bộ TP.

Theo ông, dấu ấn nhiệm kỳ qua của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM là đã có đóng góp tích cực, cùng với chính quyền TP kiến nghị, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua ba nghị quyết quan trọng.
Đó là Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết số 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP và Nghị quyết số 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Trong thời gian tới, ông mong muốn các đại biểu luôn kề vai sát cánh cùng với chính quyền TP; tăng cường tiếp công dân, không ngừng đổi mới công tác tiếp xúc cử tri sao cho thiết thực hơn, sâu sát hơn, lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng của người dân; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát, nắm bắt thực tiễn phong phú của TP để góp tiếng nói vào ý chí chung của Quốc hội cả nước.

Học cách gần dân, lắng nghe nổi niềm của dân

Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi họp mặt, bà Phạm Phương Thảo, đại biểu Quốc hội khóa XI và XII, cho rằng với bà Quốc hội là trường học lớn. "Học từ nhân dân, từ thực tiễn lớn của đất nước, từ hoạt động ở nghị trường luôn đổi mới. Điều tôi tâm đắc nhất là học cách gần dân, lắng nghe những nỗi niềm bức xúc, cả những ý tưởng hay, điều tâm huyết của người dân. Nếu biết cách gần gũi với người dân, tăng cường lắng nghe đối thoại, tương tác với dân sẽ xử lý được những vấn đề bức xúc, và cả những vấn đề góp phần tích cho sự phát triển chung" - bà Thảo chia sẻ.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ngoài cùng bên trái), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM tại buổi họp mặt. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Theo bà Thảo, Quốc hội gần đây ứng dụng công nghệ nhiều hơn, ít giấy tờ hơn, hoạt động nghị trường khá "nóng". Đại biểu Quốc hội không chỉ tham luận mà còn tranh luận.
"Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, XII, cũng có nhiều đại biểu xây dựng được thương hiệu, để lại ấn tượng trong lòng dân. Tôi nghĩ Quốc hội luôn có sự kế thừa, phát triển và nghị trường "nóng" cũng là điều kiện cho đại biểu mạnh mẽ, tự tin hơn" - bà Thảo nói và cho rằng đại biểu Quốc hội luôn phải đổi mới, gần dân để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, yêu cầu của nhân dân.

TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội khóa IX, XII và XIII, cho rằng ông luôn tâm huyết với việc góp phần xây dựng pháp luật, tạo lập cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

"Tôi có vinh dự được tham gia tổ biên tập Hiến pháp năm 2013. Cả nhóm chấp bút đã ở Cửa Lò (Nghệ An), “đóng cửa” suốt 1 tuần để viết Chương IX về Chính quyền địa phương" - ông Lịch chia sẻ.

Kết quả là khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, có Điều 111, khoản 2 quy định “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
"Lúc này, cả nhóm mừng rớt nước mắt. Bởi, đây là tiền đề mới cho quá trình cải cách về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương" - ông chia sẻ.
Và giờ đây, TP.HCM đã có được Nghị quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM. "Tôi rất xúc động và đặt niềm tin rằng TPH.CM sẽ khởi đầu trong cải cách chính quyền đô thị, thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho TP" - ông Lịch tin tưởng.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV, cho rằng là đại biểu Quốc hội vừa là vinh dự nhưng cũng là thách thức lớn, nhất là những đại biểu kiêm nhiệm như ông thì vừa phải làm tròn vai trò đại diện cho cử tri, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan.
"Tôi rất may mắn được làm đại biểu Quốc hội. Vì thế, nên tôi phải tổ chức thời gian để làm sao đóng góp nhiều nhất được nhiều nhất" - ông Ngân nói.
Ông chia sẻ thêm, 10 năm tham gia Quốc hội, ông rất mừng khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp chung của cả nước và TP.HCM. Với chuyên môn kinh tế, ông tham gia vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tham gia sâu hơn trong việc xây dựng các luật về kinh tế, tài chính, ngân hàng và kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công…
"Nhưng đến giờ này, tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Hệ thống luật pháp dù ban hành nhiều bộ luật, luật nhưng vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn sự xung đột trong các quy định. Một vấn đề nữa là những gửi gắm của cử tri. Là đại biểu Quốc hội, chúng tôi rất mong muốn góp phần giải quyết và mặc dù đã có sự cố gắng, mặc dù lãnh đạo TP cũng cố gắng, nhưng quả thật vẫn chưa đáp ứng hết được sự mong đợi của cử tri" - ông Ngân nói và cho biết lần nào tiếp xúc cử tri, họ cũng có những tâm tư, phản ánh rất bức xúc, nhất là về quy hoạch, dự án treo ảnh hưởng đến đời sống người dân.
"Nếu may mắn được tiếp tục làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục cống hiến, góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống luật pháp, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường của nước nhà" - ông Ngân khẳng định.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức 112 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến xây dựng luật; tổ chức 347 cuộc tiếp xúc cử tri; tổ chức 32 nội dung giám sát, khảo sát; tham gia 49 đoàn giám sát của Quốc hội.
Đồng thời, tổ chức 185 buổi tiếp công dân; chuyển, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết 4.066 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Dịp này, Chủ tịch UBND TP.HCM đã tặng Huy hiệu TP.HCM cho 26 cá nhân và bằng khen cho 3 cá nhân là đại biểu Quốc hội vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho TP trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm