Người dân ồ ạt về quê, TP.HCM và miền Tây xử lý rủi ro kép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ ngày 30-9, khi TP.HCM chuẩn bị bước vào giai đoạn mở cửa trở lại đến thích ứng an toàn với dịch COVID-19, hàng ngàn người dân ở khu vực miền Tây đã ồ ạt tự phát về quê bằng xe cá nhân. Giới chuyên gia cho rằng sức ép về tinh thần lẫn cơm áo gạo tiền đã vượt ngưỡng chịu đựng của người dân sau khi họ mắc kẹt nhiều tháng ở TP.HCM. Nếu không có các biện pháp hiệu quả hơn các mệnh lệnh hành chính, cả miền Tây và TP.HCM đều có thể gặp rủi ro kép.

Rủi ro bùng phát dịch bệnh ở miền Tây

Các chuyên gia dịch tễ và phòng chống dịch COVID-19 đã cảnh báo số ca nhiễm ở khu vực ĐBSCL có thể tăng vì ba lý do. Thứ nhất, số người về tự phát quá nhiều trong bối cảnh số ca nhiễm ở TP.HCM còn cao, dịch ăn sâu vào cộng đồng. Trong đó có những trường hợp đi theo “đường mòn, lối mở”. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm ùn ứ ở các cửa ngõ giữa các tỉnh, TP cũng như trong các khu cách ly tập trung. Cuối cùng, tỉ lệ tiêm vaccine ở khu vực miền Tây vẫn còn quá thấp. Tính đến ngày 4-10, tỉ lệ tiêm mũi 1 ở các tỉnh miền Tây (trừ Long An) chỉ mới đạt 15%-35% trên tổng dân số từ 18 tuổi, trong khi tỉ lệ tiêm mũi 2 chỉ đạt 4%-8%.

Người dân miền Tây đổ về chốt kiểm soát cửa ngõ giáp ranh Long An và TP.HCM vào chiều tối 30-9 với mong muốn được hồi hương sau nhiều tháng liền kẹt lại TP.HCM vì dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng việc phát hiện dịch bùng phát sớm hay muộn phụ thuộc vào hai vấn đề: (i) Sự tự giác của người dân, nhất là người dân về quê theo “đường mòn, lối mở”, không qua các chốt kiểm dịch; (ii) Năng lực tổ chức xét nghiệm cho người dân. Sự tự giác của người dân rất quan trọng. Theo ước tính, nếu người dân tự giác khai báo y tế, xét nghiệm khi có triệu chứng thì chuỗi lây nhiễm có thể dừng ở 25-36 người trong vòng 10-15 ngày, trong khi nếu họ không tự giác thì chuỗi lây nhiễm có thể lên đến khoảng 75 người và phải trên 20 ngày mới phát hiện được. Điều này một mặt sẽ khiến dịch bùng phát, mặt khác sẽ khiến sinh mạng của người dân có thể bị ảnh hưởng nếu được chữa trị quá muộn.

“Quan trọng hơn nữa, nếu người bị nhiễm và có triệu chứng nhẹ (chiếm đa số đối với COVID-19) không tự giác xét nghiệm mà đợi ngành y tế xuống xét nghiệm đại trà, hoặc đến khi trở nặng mới xét nghiệm thì theo một số nghiên cứu, chuỗi lây nhiễm có thể lên đến 2.000 người mới được phát hiện. Dịch khi đó đã ăn sâu vào cộng đồng và kiểm soát sẽ rất khó khăn” - ông Dũng nói.

Cần nới lỏng với các chuyên gia

TP.HCM cần tiếp tục kiến nghị trung ương điều chỉnh và nới lỏng các quy định cách ly đối với chuyên gia nước ngoài hoặc chuyên gia đang ở các nước khác về lại TP. Với quy mô và tình hình dịch bệnh của TP, tôi thấy cách làm của Singapore có nhiều bài học tham khảo, trong đó họ chia thành nhiều nhóm đối tượng khác nhau tùy theo tình trạng dịch tễ và vaccine để đưa ra các chính sách cách ly xã hội tương thích. Tinh thần là giảm tối thiểu thời gian cách ly cho giới chuyên gia, lao động có trình độ cao.

TS Trương Minh Huy Vũ 

Miền Tây nên làm gì?

Trước tình hình đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng đề xuất chính quyền các tỉnh, thành ở miền Tây cần có hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân, nhất là người dân tự phát về quê, tự giác cách ly, khai báo y tế và xét nghiệm.

“Tôi biết việc tự ý đi “đường mòn, lối mở” về quê nếu lây nhiễm cho người khác có thể bị pháp luật chế tài rất nghiêm. Tuy nhiên, cần có sự chia sẻ với hoàn cảnh của người dân lúc này và cơ chế khuyến khích, hướng dẫn để người dân tự giác trình diện, khai báo ngay cả khi họ không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Thứ nhất, nếu họ lo sợ vì bị kỳ thị hay bị pháp luật trừng phạt thì họ không tự giác, sẽ rất khó phát hiện để phòng dịch. Thứ hai, về mặt nhân đạo, nếu vì sợ mà họ không xét nghiệm và đến chữa trị kịp thời thì họ có thể trở nặng, tử vong. Vì vậy, cần lấy chính lợi ích về sức khỏe của người dân, thành viên trong gia đình và mọi người xung quanh để khuyến khích sự tự giác của người dân” - ông Dũng phân tích.

Vị chuyên gia dịch tễ khuyến nghị các tỉnh, thành nên phân nhóm người về quê theo tiêu chí vaccine: Ai đã tiêm vaccine (dù một hay hai mũi) hoặc được xét nghiệm âm tính thì nên tạo điều kiện cho họ cách ly ở nhà, có giám sát và hướng dẫn. Với F0, cũng cần sàng lọc theo nhóm tương ứng với ba tầng điều trị, tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong khi cách ly hoặc sàng lọc không đúng dẫn đến tình trạng người nhẹ thì lại lên tầng trên, người (có nguy cơ) trở nặng thì nằm tầng dưới dẫn đến không đảm bảo hiệu quả chăm sóc, điều trị. Thời gian này các tỉnh cần tìm cách bám theo các tiêu chí của Bộ Y tế để đảm bảo hệ thống điều trị, đặc biệt quan trọng là chuẩn bị các phương án bệnh viện dã chiến, nâng cấp hệ thống trạm y tế phường/xã, quận/huyện… đảm bảo ôxy cho tầng 1, 2; không để trở nặng để phải dùng đến giường hồi sức cấp cứu ICU.

“Điều quan trọng thứ hai là tiêm vaccine. Trong điều kiện vaccine khan hiếm, hãy dồn vaccine cho người 65 tuổi trở lên, có bệnh nền, sau đó tới nhóm 50 tuổi trở lên. Đừng vội vàng tiêm cho người lao động trẻ, khỏe vì nhóm này thường ít bị tổn thương, nhất là về tỉ lệ tử vong so với nhóm lớn tuổi. Tóm lại, vaccine cho người nguy cơ và ôxy kịp thời cho bệnh nhân cực kỳ quan trọng khi thích ứng với SARS-CoV-2 trong bối cảnh hiện nay” - ông Dũng nói.

Rủi ro thiếu nguồn nhân lực và giải pháp của TP.HCM

Trong khi các tỉnh miền Tây đang lo lắng vì dòng người liên tục di chuyển về quê thì TP.HCM lại đang đối mặt với bài toán nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình mở cửa, phục hồi sản xuất và kinh tế vốn chỉ mới bắt đầu.

TS Trương Minh Huy Vũ, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: Thời gian qua, TP đã tạo điều kiện và phối hợp thực hiện việc tổ chức đưa người dân về quê một cách có hệ thống. Ngoài hỗ trợ quà, thực phẩm, tiền thì còn tạo điều kiện tiêm vaccine cho người dân. Dù ở khía cạnh dịch tễ, các chuyên gia đều khuyến cáo việc để người dân di chuyển gây rủi ro lây nhiễm; cũng như hạn chế việc người lao động rời đi khi TP đang bước vào giai đoạn tái thiết, rất cần nhân công nhưng chúng ta buộc phải tôn trọng nhu cầu “được về nhà” của người dân. Vì vậy, TP tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ và phối hợp với các địa phương khác để đưa người dân về quê an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, trong giai đoạn phục hồi sản xuất và kinh doanh, thông điệp quan trọng và nhất quán của TP hiện nay là đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng hoạt động liên tục, không đứt gãy dù TP phải áp dụng bất kỳ giải pháp giãn cách xã hội nào nếu có. Nói cách khác, TP.HCM bắt đầu mở linh hoạt và thích ứng an toàn với dịch nên việc đảm bảo an toàn, sinh kế và an sinh của người dân để thích ứng với virus SARS-CoV-2 luôn được ưu tiên. Vì vậy, TP đang tính toán có các giải pháp để thuyết phục người dân quay lại TP để tiêm vaccine, được tạo điều kiện về công ăn việc làm, tham gia vào quá trình tái thiết sau thời gian dài giãn cách. Đây là thông điệp mà lãnh đạo chính quyền TP cần làm nổi bật sau khi TP đã chuẩn bị đầy đủ các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Để thực hiện thông điệp này, TP cần giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp cận sớm với nguồn nhân lực đã tiêm đủ hai mũi vaccine và hiện còn bám trụ ở TP. Ví dụ, TP có thể thông qua các tổ chức để tư vấn cho các doanh nghiệp kết nối được với nguồn lao động tiêm đủ vaccine. Hiện các doanh nghiệp đang rất cần lực lượng “lao động xanh” này nên nếu kết nối kịp thời thì doanh nghiệp có thể tái sản xuất, còn người dân sẽ sớm có việc làm.

Với người lao động từ ngoài tỉnh, khi vaccine các nơi còn khan hiếm thì chúng ta không nên lấy quy định tiêm vaccine làm chỉ tiêu để người dân quay lại TP. Thay vào đó, chỉ cần người lao động có xét nghiệm âm tính và mong muốn quay lại (hoặc đến) TP làm việc thì cần được tạo điều kiện về đi lại và tiêm chủng. Ví dụ, với các doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức đưa đón lao động lên lại TP thì chỉ cần đăng ký ngày đi; với những trường hợp chưa tiêm vaccine thì sẽ tổ chức tiêm luôn trước khi đưa họ về nơi tạm trú để chuẩn bị làm việc.

TP.HCM sẽ cần gần 57.000 việc làm trong quý IV-2021

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý IV-2021, TP dự kiến cần khoảng 43.600-56.800 việc làm. Nhu cầu nguồn lao động có xu hướng tăng ở các nhóm nghề đặc trưng, là thế mạnh của TP như kinh doanh thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa, logistics, du lịch - nhà hàng - khách sạn...

Hiện nay, TP quy định 14 hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được phép hoạt động, đồng thời sẽ tiếp tục mở cửa dựa trên nguyên tắc “an toàn tới đâu thì mở tới đó”. Nếu tình hình nguồn nhân lực không được cải thiện, cơ chế giữ người lao động ở lại TP cũng như đưa người lao động ở tỉnh, thành khác quay lại TP để làm việc không đảm bảo thì mục tiêu phục hồi sản xuất sẽ khó có thể đạt được bất chấp các tiêu chí về phòng chống dịch có đảm bảo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm