Người đánh cá và bản án tù treo

Ngày 4-12 vừa qua, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, chỉ phạt ngư dân Phan Kim Trọng 18 tháng tù treo về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Một phán quyết đã làm nức lòng tất cả người ngồi trong phòng xử hôm ấy dù tất cả đều không quen, không biết bị cáo...

1. Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), 15 tuổi Trọng đã theo cha đi biển. Cái nghề đánh cá cũng bám riết lấy số phận của anh từ ngày đó. Lăn lộn mãi đến hơn 40 tuổi Trọng mới dành tiền sắm được một chiếc ghe kha khá và bắt đầu thuê người làm, không còn đánh bắt nhỏ lẻ nữa.

Nhưng cá ở vùng biển quê nhà ngày càng ít dần. Để mưu sinh, ghe của Trọng phải tìm những vùng biển xa hơn và nghĩ ra những cách mới hơn để đánh bắt được cá. Cuối năm 2008, nghe đồng nghiệp kháo nhau ở vùng biển Long Hải (Vũng Tàu) có nhiều vỏ đạn cũ. Thế là ghe của Trọng tìm đến. mọi người lặn ngụp cả tháng trời dưới đáy biển để vớt các loại vỏ đạn. Rồi Trọng hỳ hục cưa vỏ đạn lấy phần thuốc nổ bên trong, gom nhặt lại rồi gói ghém mang về quê. Sau đó, Trọng mua dây dẫn rồi lấy các vỏ lon sữa bò thiết kế thành những quả mìn lon sữa.

Người đánh cá và bản án tù treo ảnh 1

Bị cáo Trọng trong lúc chờ nghe tòa tuyên án. Ảnh: T.TÙNG

Giữa tháng 4, Trọng cùng các thuyền viên đánh ghe ra vùng biển Côn Đảo. Trọng cho người lặn xuống biển, dùng một quả mìn bằng lon sữa gây nổ để gây mê và bắt được mẻ cá đầu tiên nặng vài chục ký. Chưa kịp ăn mừng, ngay sau đó ghe của Trọng đã bị Đồn biên phòng 540 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt quả tang, thu giữ toàn bộ hơn 15 kg thuốc nổ trên ghe.

Trọng bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại để điều tra vì hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phạt Trọng 18 tháng tù và buộc phải nộp phạt bổ sung 10 triệu đồng để sung công.

2. Trong lá đơn kháng cáo gửi cho tòa phúc thẩm, Trọng viết là biết mình đã phạm tội, sẽ khó được tòa giảm án nhưng nhìn cảnh gia đình cơ cực, cha mẹ già yếu, ba đứa con nheo nhóc, Trọng không chịu được nên “đành cố bặm môi vác đơn đi cầu cứu”.

Không có tiền nhờ luật sư, một mình Trọng đón xe đò từ quê vào TP, đến tòa chỉ với một tia hy vọng nhỏ nhoi. Gia đình, người thân, bạn bè không ai có điều kiện đi theo dù rất muốn. Hôm ấy tòa phúc thẩm lên lịch xử bốn vụ án hình sự, hội trường phía sau đông nghịt nhưng toàn là người thân, người quen của bị cáo khác khiến cảm giác lẻ loi của Trọng càng rõ hơn.

Gương mặt khắc khổ, ánh mắt buồn bã, Trọng chậm rãi trả lời câu hỏi của tòa và khai báo hành vi phạm tội của mình. Tòa hỏi bị cáo có biết dùng thuốc nổ đánh cá như vậy là phạm pháp không, Trọng nói có nhưng lý giải rằng mình phải tìm mọi cách để đánh nhiều cá, kiếm tiền trả nợ mua ghe và nuôi gia đình. Bị cáo cũng nghĩ ở ngoài vùng biển xa xôi như thế thì sẽ không bị ai phát hiện ra, với lại cũng không gây nguy hiểm cho ai cả nên mới làm liều.

Tòa lắc đầu, vừa thất vọng vừa thương cảm. Phần thẩm vấn diễn ra nhanh chóng. Chỉ thêm một vài câu hỏi khác HĐXX và đại diện VKS hỏi sâu hơn về hoàn cảnh của Trọng để tìm thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Tòa hỏi: “Sắp kết thúc phiên xử rồi, bị cáo còn muốn nói gì nữa không?”. Trọng ngước mặt rụt rè: “Thưa, không được giảm án cũng không sao nhưng tòa cho bị cáo xin lại cuốn sổ tay bị cáo ghi tọa độ đặng sau này ra tù bị cáo đi biển lại chứ bị cáo không còn nghề nào khác”...

Cuốn sổ tay nhàu nát ấy là nơi Trọng ghi chú xác định tọa độ để điều khiển phương tiện trên biển. Nó như một chiếc rađa hướng dẫn cho anh trong mấy chục năm trời đi biển làm nghề. Ngày bị bắt, công an đã thu giữ cuốn sổ này vì nghĩ nó liên quan đến vụ án. Nó chẳng đáng giá gì, cũng chẳng thể quy đổi ra tiền bạc nhưng rất quý đối với anh.

3. Cuối cùng tòa cũng tuyên án. Trọng được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ là lao động chính trong gia đình, có con nhỏ và cha mẹ già nên được tòa cho hưởng án treo.

Tòa tuyên án xong, người dự khán ồ lên vui mừng, còn Trọng như người mất hồn, ú ớ không biết nói gì, cứ luống ca luống cuống. Vị chủ tọa nhẹ nhàng dặn dò: “Vụ án kết thúc rồi đó, anh có thể ra về và cố gắng chấp hành tốt thời gian thử thách, đừng để vi phạm gì mà làm ăn tốt nhé”.

Trọng cúi đầu cảm ơn rồi loay hoay tìm cửa phòng xử bước ra. Chân nhẹ tênh với nụ cười trên mặt, anh đi thật nhanh ra khỏi cánh cổng tòa án. Có cảm giác như lúc ấy anh đang muốn hét lên thật to sung sướng dù vẫn chỉ có một mình.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm