Tại buổi công bố, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết ngày 15- 12, hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đã họp và thông qua 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Ngày 16-12, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã ký quyết định ban hành 10 quy định này, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
Đáng chú ý, trong số 10 quy định có điều yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác (Điều 5).
“Trong một văn bản dù có chi tiết đến mấy thì cũng không thể nói rõ được mọi thứ, kể cả văn bản quy phạm pháp luật. Bộ quy tắc này mang tính dẫn dắt, hướng dẫn, nó là lương tâm và trách nhiệm của nhà báo” - ông Lợi nói.
Trả lời câu hỏi định nghĩa như thế nào là chuẩn mực, ông Lợi bày tỏ: “Rõ ràng cái gì xã hội thừa nhận là đúng hoặc không đúng thì những người làm báo cũng phải nhận thức rõ được điều đó để không những bản thân mình nhận thức mà còn định hướng dư luận xã hội. Ví dụ những điều mà đa số trong xã hội thừa nhận mà nhà báo đưa ngược lại là không được. Anh không nói được trên mặt báo mà lên mạng xã hội nói, thậm chí nói bậy bạ là không thể được. Cho nên đòi hỏi nhà báo phải nhất ngôn ở trên mặt báo, trên mạng xã hội, rồi ở cơ quan cũng như ở ngoài xã hội, ở nơi sinh hoạt, phải là một người, là người làm báo. Ở đây đòi hỏi sự nhất quán” - ông Lợi nói.
Ngoài ra, bộ quy định cũng có một số điều khoản khác như hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc; trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.