Nhóm đua xe dùng chiêu trò đối phó với CSGT

Ngày 25-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2019.

Hẹn nhau trên mạng để đua xe

Báo cáo với ĐBQH về tình hình thanh, thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP), cho biết: Hằng năm, trên cơ sở điều tra cơ bản, Phòng PC08 đều xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị có liên quan, công an địa phương phụ trách các tuyến đường nêu trên hoặc địa phương giáp ranh để phân công, bố trí lực lượng xử lý.

“Phòng PC08 cũng ban hành phương án xử lý thanh, thiếu niên tụ tập, hằng đêm tổ chức ém quân trên các tuyến vừa nêu, khi phát hiện thì sẽ có phương án chặn bắt, xóa tan các nhóm này, tránh việc gây rối” - Trung tá Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Trung tá Sơn thông tin hiện nay hoạt động của các nhóm thanh niên này rất tinh ranh, chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội để hẹn nhau. Thậm chí, chúng phân công người theo dõi, giám sát hoạt động của lực lượng công an. Từ đó, chỉ cần đợi lực lượng chức năng đi mấy phút thôi thì sẽ tụ tập bất chợt. Đến khi CSGT ra đến nơi thì “đã xong rồi”.

Quan điểm của Phòng PC08 là tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm cán bộ CSGT, phối hợp chặt chẽ với công an phường. Sau đó, rà soát xem trên địa bàn có thanh, thiếu niên thuộc diện hay tụ tập hằng đêm để làm công tác giáo dục tại gia đình.

Thời gian tới, Phòng PC08 sẽ tiếp tục thực hiện phòng, chống thanh, thiếu niên tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, nâng cao trách nhiệm cảnh sát khu vực, công an phường, CSGT. Đồng thời triển khai hiệu quả Tổ công tác 363 kiểm tra hành chính sau 22 giờ.

Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng phòng CSGT (PC08) TP.HCM, báo cáo tại cuộc giám sát. ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, đề nghị nên có hình thức chế tài khác ngoài phạt tiền để răn đe. Ảnh: LÊ THOA

Đăng kiểm sai: Trách nhiệm là ở Bộ GTVT

ĐBQH Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, nêu: Hiện nay TP có 15 trung tâm đăng kiểm xe và sắp tới có một số dự án thành lập đơn vị đăng kiểm xe. Vừa qua báo chí phản ánh về những vi phạm, tiêu cực tại một số trung tâm đăng kiểm. Vấn đề đặt ra là cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của trung tâm đăng kiểm ra sao và xử lý như thế nào nếu có vi phạm.

192 là số vụ thanh niên tụ tập đua xe trái phép được PC08 thống kê từ năm 2016 đến 2019. Các vụ đua xe chủ yếu diễn ra trên một số tuyến đường như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… 

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hoạt động của các trung tâm đăng kiểm là kinh doanh kiểm định xe cơ giới. Toàn bộ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm này đều thuộc sự quản lý của Bộ GTVT và cụ thể là Cục Đăng kiểm. Ông An cũng nhận thấy việc kiểm tra, giám sát là cực kỳ quan trọng. Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới thì giao cho Bộ GTVT hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát đối với các trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, thông tư của Bộ GTVT hoàn toàn không hướng dẫn việc này.

Ông An cũng cho biết hiện nay Cục Đăng kiểm có vào kiểm tra định kỳ sáu tháng một lần nhưng Sở GTVT nhận thấy chưa ổn lắm trong việc kiểm tra, giám sát. Sở GTVT TP cũng đã có công văn đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn trong việc này. “Năm 2019-2020, qua báo chí, Sở GTVT biết có một số trường hợp vi phạm ở các trung tâm đăng kiểm, chúng tôi đánh giá đây là việc con sâu làm rầu nồi canh,…” - ông An nói và cho biết sẽ có báo cáo cụ thể cho ĐBQH.

Chỉ phạt tiền thì chưa đủ sức răn đe

ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng hình thức chế tài người vi phạm giao thông hiện nay chủ yếu phạt tiền là chính. Hình thức này khiến một phần người dân nâng cao ý thức nhưng một số khác lại không. Vì vậy cần tăng thêm các hình thức chế tài khác. Chẳng hạn như buộc người vi phạm học lại luật giao thông.

ĐB Đức cũng nêu tình trạng người dân bị tai nạn giao thông khi đi qua ổ voi, ổ gà, rồi va chạm với lan can, vỉa hè, lề đường. Trường hợp này thì trách nhiệm xử phạt bồi thường cho người dân làm sao? Làm sao mang lại công bằng cho người dân? Làm sao xử phạt trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an toàn giao thông.

ĐB Đức kể cử tri ở huyện Nhà Bè phản ánh bức xúc vì chủ đầu tư thi công hệ thống thoát nước, có rào chắn mặt đường mà không có ai đứng đó để hướng dẫn, không có đèn tín hiệu. Vậy nên người dân đi ban đêm bị té, gãy tay, chân rất bức xúc, đòi hỏi luật quy định rõ, chế tài rõ ràng.

ĐB Nguyễn Minh Đức cũng phản ánh tình trạng các phương tiện giao thông trang bị thêm đèn pha chiếu sáng ban đêm gây chói mắt người đi đường chưa thấy xử phạt rõ ràng. “Việc này tiềm ẩn tai nạn giao thông nên luật phải có quy định xử lý. Ngoài phạt chủ xe thì còn phạt cả cơ sở tổ chức buôn bán, gắn loại đèn này nữa. Vì người buôn bán không thể vì lợi ích của mình mà gắn đèn này gây nguy hiểm cho cộng đồng” - ĐB Đức phân tích thêm.

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết hiện nay trên địa bàn quận có rất nhiều xe lôi, xe kéo nhưng việc xử phạt các đối tượng này còn nhiều bất cập. Đa số các loại xe này trên địa bàn quận có phần lôi gắn sau xe máy vẫn được tháo rời hoặc hàn cố định vào sau xe. “Do đó, cần xử lý triệt để các đầu xe kéo, xe lôi buôn bán gây lấn chiếm lòng, lề đường, gây mất an toàn giao thông” – ông Bình nêu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm