Sở Quy hoạch-Kiến Trúc TP.HCM nêu diện mạo chi tiết TP Thủ Đức

Sáng 16-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã bước vào ngày làm việc thứ hai.

Tại đây, Đại hội đã lắng nghe 10 tham luận xoay quanh bảy nhiệm vụ, giải pháp và bám sát 26 chỉ tiêu mà Đại hội đề ra cho nhiệm kỳ mới.

nguyen-thanh-nha

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, nói về quy hoạch TP Thủ Đức tương lai. Ảnh: QUỐC THANH

Nổi bật là tham luận với chủ đề: “Phát triển TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP giai đoạn 2020 – 2035” của đại biểu Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM. 

TP Thủ Đức sở hữu nhiều thế mạnh

Theo ông Nhã, khu vực phía Đông TP.HCM có hàng loạt công trình trọng điểm như: Đường Mai Chí Thọ và hầm vượt sông Sài Gòn, đường Vành đai Đông TP (Vành đai 2), đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1). Đồng thời, bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm, Khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao.

Do đó, khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội của TP. Trong đó phải kể đến việc hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận, phát triển ngành hậu cần logistics vận chuyển hàng hóa thông qua hàng hải, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

dai-hoi-dang-tphcm

Nhiều tham luận về kinh tế -xã hội được trình bày tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI. Ảnh: QUỐC THANH

Hiện Khu công nghệ cao đã thu hút rất nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Khu Đại học Quốc gia TP tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu, là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả các tỉnh lân cận.

Tương lai, TP Thủ Đức chỉ ngập một lần trong 5 năm

Ông Nguyễn Thanh Nhã nhìn nhận, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của TP và khu vực dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.

Video: Sở Quy hoạch-Kiến Trúc TP.HCM nêu diện mạo chi tiết TP Thủ Đức

“Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, TP.HCM sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và quản lý nhà nước hướng đến thành lập TP phía Đông” – ông Nhã nói.

tp-thu-duc

Phường Trường Thọ được dự báo sẽ là Khu đô thị của TP Thủ Đức trong tương lai. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, dự báo đến năm 2030, TP Thủ Đức sẽ có 50.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia; dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người. Đến năm 2040, có 150.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia; dân số đạt 1,9 triệu người. Đến năm 2060, dân số TP Thủ Đức sẽ đạt mức 3 triệu người.

Tính toán, chuẩn bị cho mức dân số tối đa của TP Thủ Đức, theo ông Nhã, giao thông công cộng cần đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4 - 6 km; 10% diện tích TP Thủ Đức sẽ là công viên.

Đặc biệt, đến năm 2040 phải đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%, tức năm năm mới xảy ra ngập một lần. 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630 ha đất làm hồ điều hòa). 1.000 - 1.200 ha đất công nghiệp sẽ được bố trí trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.

Phường Trường Thọ sẽ là phòng thí nghiệm đô thị

Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng xác định TP Thủ Đức có tám trung tâm đổi mới sáng tạo. Trong đó có: Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính; Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học; Khu Đại học Quốc gia TP - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục; Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái; Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai; Khu cảng quốc tế Cát Lái;…

Đặc biệt, Khu đô thị Trường Thọ sẽ là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình TP thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị”, tận dụng vị trí nằm gần khu Thảo Điền (quận 2) và các lõi đô thị khác cho việc tạo nơi chốn thu hút nhân tài, người thu nhập cao.

“Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại Khu đô thị Trường Thọ” – ông Nhã nhìn nhận.

Ông khẳng định, khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới, công nghệ xây dựng có khả năng chuyển đổi và một không gian công cộng chuyển đổi theo số liệu thực và độc đáo về nghệ thuật và giải trí.

Người đứng đầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã đề xuất bảy nhóm giải pháp cốt lõi triển khai thực hiện Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP thành công. Trong đó có hàng loạt giải pháp về quy hoạch (bao gồm quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch kinh tế - xã hội); quản lý đất đai, tài sản đô thị; đầu tư và thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số.

TP Thủ Đức có 5 bất cập

- Quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi.

- Giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối giao thông.

- Tỉ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập. Giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng và đi bộ.

- Các dự án lớn về giao thông trong khu vực như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3 hiện đang chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai.

-Tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 10 vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường trong khu vực mà ngập nặng nhất là ở quận Thủ Đức.

(Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm