Trong nhiệm kỳ 2015-2020, TP.HCM đã triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Mặc dù vậy, TP đã nhanh chóng thích ứng, phát huy lợi thế và khắc phục khó khăn để vươn lên.
Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã là nguồn động lực có ý nghĩa quan trọng để TP thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Cách đây ba năm, trong hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 14 khóa X, mặc dù lúc đó tăng trưởng kinh tế của TP chín tháng đầu năm 2017 là 7,97%, cao hơn cùng kỳ nhưng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vẫn không yên tâm với sự tăng trưởng này.
“Con số này khiến chúng ta yên tâm chưa? Có đạt được mục tiêu đề ra không?” - ông Nhân hỏi các đại biểu và cho rằng so với kế hoạch đề ra năm 2017 là 8,4%-8,7% thì quý IV phải tăng tới 9,5%. “Điều này khá khó thực hiện. Những tháng cuối năm phải dồn sức để đạt được mục tiêu” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Chính sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Thành ủy, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn TP, năm đó kinh tế TP.HCM đã tăng trưởng ấn tượng, đạt 8,25%. Và liên tục trong các năm từ 2016 đến 2019, kinh tế TP đều đạt mức tăng trưởng ổn định trên 8%.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM đầu năm 2020, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ảnh hưởng nặng nề, các ngành dịch vụ, nhất là du lịch giảm mạnh, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động tăng cao. Lúc đó, ông Nguyễn Thiện Nhân rất lo lắng khi nhìn chỉ số tăng trưởng kinh tế quý I-2020 chỉ đạt 0,42%.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng nhiệm vụ hàng đầu lúc này của TP là phải cùng cả nước, vì cả nước phòng, chống dịch thật tốt, từ đó sẽ vực dậy sản xuất kinh doanh. “Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt” - ông Nhân khích lệ tinh thần làm việc của các cán bộ, công chức TP. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế TP sau đó đã dần dần được khôi phục và hoạt động trở lại.
Có thể khẳng định trong năm năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn và thách thức nhưng với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, kinh tế TP đã tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, giai đoạn 2016-2020 ước tăng bình quân 6,41%, tỉ trọng kinh tế TP đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước. Chất lượng kinh tế được cải thiện, năng suất lao động cao gấp 2,6 lần năng suất cả nước.
Đánh giá về những kết quả đạt được mang tính toàn diện trong nhiệm kỳ qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng ngay từ đầu, TP đã tập trung quán triệt, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và HĐND TP trên tất cả lĩnh vực. Song song đó còn là sự nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân TP.
Chiều 12-10, HĐND TP.HCM khóa IX biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.HCM trong giai đoạn 2019-2021.
Theo nghị quyết, TP.HCM sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của ba quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới, đặt tên là TP Thủ Đức. Sau khi thành lập TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên, dân số 1.013.795 người.
TP Thủ Đức không phải đến nay mới hình thành mà ý tưởng đã được manh nha từ nhiều năm trước, bởi lãnh đạo TP thấy rằng ba quận này có chỉ số tăng trưởng tốt, hứa hẹn sẽ hình thành động lực tăng trưởng mới ở phía đông.
TP mới này xuất phát từ ý tưởng của ông Nguyễn Thiện Nhân vào năm 2018 với tên gọi ban đầu là khu đô thị sáng tạo phía đông. Khi được thành lập, nơi đây sẽ hình thành một hệ sinh thái, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng trí thức trẻ địa phương.
Trong đó, quận 2 là trung tâm tài chính tương lai với khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 sẽ phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là khu công nghệ cao, còn quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường đại học chất lượng cao mà hạt nhân là ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.
Ông Nhân cho rằng với diện tích 22.000 ha cùng hơn 1 triệu người dân sinh sống, khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ là vùng trung tâm thông minh đầu tiên của TP.HCM, với hạ tầng về giao thông và y tế là tốt nhất.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, dự kiến sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP cho TP.HCM và 7% GDP của cả nước. “Đây còn là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - ông Phong nói.
TP.HCM là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước nghiên cứu, triển khai xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Từ năm 2016, TP bắt đầu xây dựng đề án tổng thể với mong muốn giúp hơn 10 triệu người dân TP tận hưởng các tiện ích một cách tốt nhất, doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao…
Tháng 11-2017, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh được công bố với tầm nhìn đến năm 2025. Đến nay, ở giai đoạn 1, đề án này đã đạt được một số kết quả nhất định như: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP.HCM; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; triển khai thí điểm đề án tại quận 1 và quận 12...
Đáng chú ý, một phần kho dữ liệu dùng chung của TP đã được chia sẻ qua cổng dữ liệu mở, bước đầu người dân đã được tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền và xã hội…
Việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập, môi trường... bước đầu đã giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận một số tiện ích như tra cứu thông tin giao thông, quy hoạch...
Ngoài ra, các mô hình quận, huyện trực tuyến, cổng thông tin 1022 cũng tạo sự thuận lợi trong tương tác giữa người dân, tổ chức với các cơ quan nhà nước, giúp người dân, tổ chức tham gia giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền...
Cách đây ba tháng, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi khảo sát về tình hình triển khai thực hiện đề án này, cho thấy nhiều hiệu quả ban đầu đáng ghi nhận.
Đơn cử như ở quận 1 đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường, kết nối về Trung tâm điều hành đô thị thông minh trên 1.115 “mắt thần”. Hệ thống này nhận diện các hành vi vi phạm về an ninh trật tự, trật tự đô thị và tự động gửi tin nhắn cảnh báo đến cơ quan chức năng để kiểm tra xử lý. Năm 2018, hệ thống camera an ninh thông minh quận 1 đã phát hiện và gửi 7.231 tin nhắn cảnh báo, năm 2019 là 7.515 tin.
Trong nhiệm kỳ qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP luôn được giữ vững, quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố. TP đã chủ động phòng ngừa, triệt phá mọi âm mưu, hành động phá hoại gây mất ổn định chính trị.
Để giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Cụ thể, từ tháng 3-2017, Công an TP.HCM đã lắp đặt và thử nghiệm hệ thống camera thông minh nhận dạng biển số xe và gương mặt với khả năng tự động phân tích, xác định những phương tiện di chuyển có hành vi không bình thường. Hệ thống cũng kết hợp với các cơ sở dữ liệu về người vi phạm giao thông, người bị truy nã và tự động phát hiện, cảnh báo những đối tượng cần chú ý cho các đơn vị công an gần nhất...
Trước tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn có dấu hiệu phức tạp mới, các nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng (cướp, cướp giật, trộm cắp) có dấu hiệu gia tăng; các băng nhóm gây án trên nhiều địa bàn nhưng chậm được phát hiện, bắt giữ, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe thành đoàn, gây mất an ninh trật tự… gây bức xúc trong dân. Công an TP.HCM bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp (tổ 363).
“Lực lượng tuần tra nhưng hoạt động chính là phòng, chống tội phạm. Điều này sẽ tạo ra cú đấm với các loại tội phạm vì đây là sự phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng công khai với lực lượng mặc thường phục.
Các tổ 363 kiểm tra linh hoạt trong tất cả địa bàn, còn các tổ 363 ở các quận, huyện cũng phối hợp khi cần…” - đại diện Công an TP.HCM nhấn mạnh lúc thành lập tổ 363. Cho đến nay, hoạt động của tổ 363 đã phát huy tác dụng nhiều mặt trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm tại TP.HCM.
Công tác quốc phòng - an ninh cũng đạt được những kết quả quan trọng. TP đã huy động cả hệ thống chính trị cùng phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, kịp thời xử lý các hoạt động tụ tập đông người, biểu tình, gây rối an ninh trật tự...
TP.HCM với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, TP đã kiểm soát được tình hình, không để các phần tử xấu lợi dụng gây rối.
Ngoài ra, TP cũng tập trung lãnh đạo hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiềm chế và kéo giảm phạm pháp hình sự. Kịp thời triệt phá nhiều đường dây liên tỉnh và xuyên quốc gia vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sản xuất trái phép chất ma túy ở quy mô lớn...
Trong nhiệm kỳ 2015-2020 và đặc biệt là những năm cuối nhiệm kỳ, công tác cán bộ của TP.HCM rất được quan tâm. TP đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp thực tiễn của TP, chất lượng đội ngũ cán bộ đã không ngừng được nâng cao.
Trong nhiệm kỳ này, TP cũng quyết liệt xử lý các cán bộ sai phạm. Theo đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và cấp ủy các cấp đã xử lý 2.849 đảng viên, trong đó 270 người bị khai trừ Đảng. Riêng việc thực hiện Quy định 1374, từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2020, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo xem xét, xử lý về mặt Đảng với sáu tổ chức đảng bị khiển trách, 262 đảng viên bị kỷ luật; đã xử lý 327 người về mặt chính quyền.
Trong số này có thể kể đến việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo tại quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Củ Chi bị kỷ luật khiển trách do có khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, ngoài ra còn có nhiều nguyên lãnh đạo các tổng công ty ở TP.HCM cũng bị kỷ luật.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng việc kỷ luật cán bộ, đảng viên là điều không mong muốn nhưng sai phạm thì phải bị xử lý nghiêm. “Thành ủy và cấp ủy các cấp phải lắng nghe nhiều hơn và xử lý nhanh hơn các vấn đề phản ánh có liên quan đến địa phương, đơn vị mình. Từ đó, chọn lọc được cán bộ, đảng viên hết lòng hết sức vì nhân dân phục vụ, kịp thời và kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, vi phạm” - Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Còn ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, cũng cho rằng thông qua giám sát của người dân, TP luôn lắng nghe để bố trí cán bộ đúng, kiên quyết không nhân nhượng với những cán bộ tha hóa, nhũng nhiễu làm ảnh hưởng đến công việc chung.