Sáng 10-10, HĐND quận Thủ Đức khóa IV, nhiệm kỳ 2016- 2021 đã tổ chức kỳ họp thứ 13, thông qua tờ trình của UBND quận về việc tán thành chủ trương sắp xếp quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, đặt tên là TP Thủ Đức.
HĐND quận Thủ Đức tổ chức kỳ họp thông qua đề án sắp xếp ba quận thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
Đồng thời, HĐND quận cũng thông qua đề án Xây dựng đô thị thông minh quận Thủ Đức, giai đoạn 2020-2025.
100% đại biểu HĐND đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trương Trung Kiên đã trình bày tờ trình về việc sắp xếp quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, đặt tên là TP Thủ Đức.
Qua thẩm tra, ông Phạm Hoài Minh Tân, Trưởng Ban pháp chế HĐND quận đã thống nhất với tờ trình của UBND quận. Đồng thời có một số kiến nghị về chủ trương này với UBND quận.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện đề án thành lập TP Thủ Đức, cần quan tâm giải quyết các điểm ngập nước và ô nhiễm môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu dân cư.
Quận cũng cần kiến nghị với các sở, ngành TP cần có sự thống nhất trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị; công tác ngăn chặn và xử lý các trường hợp xây dựng không phép, sai phép phải có giải pháp căn cơ hiệu quả để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo công tác quy hoạch trên địa bàn không bị phá vỡ.
Đại biểu HĐND quận Thủ Đức thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, đặt tên là TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
Kết quả, 100% đại biểu HĐND quận biểu quyết tán thành, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, đặt tên là TP Thủ Đức. Quận Thủ Đức sẽ nhập toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, với dân số 532.377 người cùng với hai quận còn lại để thành lập TP Thủ Đức
Trước đó, UBND quận Thủ Đức đã lấy ý kiến cử tri của 12 phường với 197.000 người về đề án sáp nhập ba quận thành một đơn vị hành chính cấp chuyện mới, theo hình thức tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến tại trụ sở các khu phố trên địa bàn.
Kết quả, có hơn 98% cử tri đồng ý với phương án sáp nhập. Về tên gọi của đơn vị hành chính mới có 97,68% cử tri đồng ý với tên TP Thủ Đức.
Chủ tịch UBND quận Thủ Đức thông tin, cử tri trên địa bàn đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình về chủ trương này. Đồng thời, HĐND 12 phường đã họp và có kết quả đồng thuận cao.
Dự kiến, ngày 12-10, HĐND TP.HCM sẽ họp, có nghị quyết về nội dung trên.
TP Thủ Đức ngày nay khác với ngày xưa thế nào?
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND cũng đã nêu ra các ý kiến thắc mắc của cử tri về việc sáp nhập ba quận, thành lập TP với tên tạm gọi là TP Thủ Đức.
Đại biểu Lê Minh Tuấn, phường Linh Đông nêu thắc mắc của cử tri ở điểm TP Thủ Đức được thành lập thì có gì khác hay không, thẩm quyền của đơn vị hành chính mới chưa rõ ràng; cần kiến nghị Trung ương xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, thẩm quyền trong việc phê duyệt các dự án, công trình đầu tư ở TP Thủ Đức.
Đại biểu Tuấn cũng cho rằng, cần tuyên tuyền nhiều hơn về đề án này vì đến nay, người dân vẫn chưa nắm hết ý nghĩa của dự án. Người dân cũng cảm thấy việc thực hiện là quá gấp rút.
Trong khi đó, đại biểu Lâm Hữu Đức lại nhìn nhận, việc thành lập một TP với tên gọi tạm thời là TP Thủ Đức theo đề án là một hướng đi cần thiết cho sự phát triển của TP.HCM trong thời gian tới. Đồng thời chuyển tải ý kiến của một cử tri là: TP Thủ Đức ngày nay khác với ngày xưa như thế nào?
“TP Thủ Đức sẽ phát triển như thế nào, cơ chế thế nào cho HĐND TP, UBND TP thì chưa thấy đề cập sâu. Cử tri kiến nghị HĐND quận, TP cần quan tâm đến cơ chế, chính sách cho TP Thủ Đức để làm sao thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng”- đại biểu đề đạt.
Theo đại biểu Đức, riêng ở quận Thủ Đức, hiện nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển, chưa đáp ứng được kỳ vọng của đề án. Với mật độ dân số ngày càng cao như hiện nay thì vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện như thế nào cũng cần thông tin rõ ràng cho người dân.
Đại biểu Đức cũng đề cập đến mối quan tâm của cử tri về nguồn nhân lực của TP mới, việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh của ba quận để tương thích với tiềm năng phát triển trong thời gian tới; cơ chế nào để lãnh đạo TP Thủ Đức có thể phát triển được thành phố này theo đúng kỳ vọng như đề án đặt ra.
Cử tri phường Hiệp Bình Chánh bỏ phiếu lấy ý kiến về việc sáp nhập ba quận, đặt tên là TP Thủ Đức vào ngày 3-10. Ảnh: THANH TUYỀN
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo, phường Tam Bình cũng chuyển tải những lo lắng của cử tri về đề án này: Liệu trên thực tế, TP Thủ Đức có phát triển đúng với mong muốn như đã trình bày trong đề án? Có lợi ích nhóm khi TP Thủ Đức hình thành, gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung hay không?
Cử tri cũng thắc mắc về điều tiết ngân sách của TP đối với Thủ Đức là như thế nào để có đủ nguồn lực, nhân lực và tài lực xây dựng các công trình, thực hiện các công trình trọng điểm của TP này.
Đại biểu Thảo cũng nêu lên một khía cạnh là nhiều cán bộ công chức hiện nay đang có tâm tư rằng, liệu mình có nằm trong diện dôi dư theo đề án mới này hay không và sẽ sắp xếp như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Hồng Yến, phường Bình Chiểu cũng nêu ý kiến cử tri về việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế. Đại biểu Yến nêu ra khía cạnh: Khi gộp ba quận với nhau, nếu thực hiện tinh giảm biên chế thì với số lượng cán bộ công chức khó có đáp ứng được nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, quản lý nhà nước cho người dân của cả ba quận, điều đó rất áp lực.
Đại biểu Yến cũng nói đến thắc mắc của cử tri về đơn vị hành chính mới của TP Thủ Đức rằng, nếu TP Thủ Đức chỉ là cấp huyện thì không thể hiện điểm mới gì.
Cạnh đó, nhiều cử tri không an tâm về việc thực hiện quy hoạch sẽ có sự xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp đến đối sống người dân khi tiến hành sáp nhập và thực hiện các dự án.
TP.HCM có 60 ngày tổ chức bộ máy nếu Quốc hội thông qua
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Nội Vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đã có những thông tin về đề án sáp nhập quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin tại kỳ họp HĐND quận Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
Giải đáp thắc mắc của cử tri về thời gian thực hiện đề án quá gấp rút, ông Nhân cho biết nếu không trình được trong kỳ họp Quốc hội sắp tới và không được thông qua, TP.HCM phải lùi thêm năm năm nữa mới thực hiện được.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM thông tin, kỳ họp HĐND TP tới đây sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến đề án thành lập TP Thủ Đức. Các đại biểu sẽ thảo luận phương án đảm bảo việc giải quyết nhu cầu hành chính của người dân.
Giám đốc Sở Nội vụ thông tin thêm, nếu trong kỳ họp tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án này thì TP.HCM chỉ có 60 ngày để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của ba quận và đi vào hoạt động. Cùng thời gian đó, phải triển khai chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, trong đó có đại biểu HĐND của TP Thủ Đức…
Ngoài ra, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức sau khi TP Thủ Đức được thành lập.
Ông chia sẻ, không thể kỳ vọng bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức sẽ phục vụ tốt cho người dân trong thời gian ngắn mà cần có thời gian sắp xếp và khắc phục khó khăn bước đầu. Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND từng quận, phường để có hướng giải quyết thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng người dân.
HĐND quận thông qua đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020- 2025 Cũng tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND TP.HCM đã tán thành, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về đề án xây dựng đô thị thông minh tại Thủ Đức giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu của đề án là xây dựng quận Thủ Đức trở thành đô thị thông minh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp; xây dựng trung tâm điều hành trên cơ sở tích hợp Trung tâm giám sát hình ảnh camera, hệ thống cảnh báo thông minh, dữ liệu chuyên ngành...; đào tạo nguồn nhân lực triển khai, vận hành hệ thống. Trong đó, các thành phần của đô thị thông minh quận Thủ Đức được xác định gồm cơ sở hạ tầng; trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu; hệ thống các ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực. |